Vì sao Hà Nội lại “vướng” trong giải phóng mặt bằng?

Vấn đề giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm ở Hà Nội có lẽ chưa khi nào nan giải, gây bức xúc dư luận như hiện nay.

Bên cạnh những dự án chậm trễ do nguyên nhân phổ biến là định giá chưa phù hợp với thị trường, bố trí nhà tái định cư chưa hợp lý..., còn có những dự án lớn, có ích cho xã hội, được nhân dân đồng thuận cao nhưng vẫn bị kéo dài nhiều năm, tốn không ít công sức, tiền của Nhà nước chỉ vì những lý do rất đơn giản!
Vấn đề giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án lớn, trọng điểm có lẽ chưa khi nào nan giải như hiện nay. Hà Nội đang có hàng chục dự án giao thông, xây dựng phải ngưng trệ, chậm tiến độ, gây bức xúc cho các nhà đầu tư và nhà thầu.

Một chuyên gia trong ngành quy hoạch trăn trở cho rằng, để thực hiện được một dự án ở Hà Nội có khi phải mất cả chục năm tính từ khi quy hoạch, giải tỏa, thi công và hoàn thiện. Và chi phí cho một dự án cũng phần lớn tập trung cho giải tỏa mặt bằng với khoảng từ 70-80%, số còn lại là kinh phí đầu tư xây dựng. Chính vì vậy, ở Hà Nội đã tồn tại những công trình, những con đường “đắt nhất thế giới.”

Công tác giải phóng mặt bằng lại càng khó khăn hơn, khi kinh tế phát triển, các dự án ngày càng nhiều, đất đai đắt đỏ. Trong câu chuyện này, có những dự án nhiều lúc cũng không phải là quá khó để giải quyết, nhưng trong quá trình thực hiện lại có nhiều vướng mắc.

Nguyên nhân thì có nhiều, song có những nguyên nhân hay gặp phải là, có lúc việc định giá chưa phù hợp với thị trường, công tác tuyên truyền vận động chưa tốt, bố trí nhà tái định cư có lúc chưa hợp lý, chưa công bằng và chính quyền các địa phương chưa có định hướng, hỗ trợ trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau khi thu hồi đất.

Những nguyên nhân trên đây, chúng ta cũng đã được nghe và nhắc tới rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó, còn có những dự án nhân dân đồng thuận cao, phần lớn các hộ gia đình đều nghiêm túc thực hiện mà vẫn bị chậm tiến độ.

Vậy vì sao? Thực tế, không ít dự án lớn, có ích cho xã hội, lại bị kéo dài nhiều năm trời, tốn không ít công sức, tiền của Nhà nước, phiền hà cho cán bộ và nhân dân chỉ vì những lý do rất đơn giản. Có những dự án xây dựng con đường huyết mạch chiến lược lại bị ngưng trệ vì bị chắn ngang bởi một hoặc vài căn nhà không chấp nhận giải tỏa.

Mặc dù, chính quyền và chủ đầu tư có nhiều biện giáp, vận động, thuyết phục nhưng vẫn không thành. Kéo theo đó là dự án chậm tiến độ làm cản trở, tắc nghẽn đường giao thông, ô nhiễm môi trường cho cả khu vực, gây bức xúc cho nhân dân. Có những gia đình khiếu nại, tố cáo hợp tình, hợp lý và đúng chính sách, nhưng cũng không ít hộ còn bị kích động, xúi giục, yêu sách đòi hỏi giá cao hơn so với quy định hoặc cố tình chống đối vì những lý do cá nhân. Không ít hộ, lại thuộc diện gia đình chính sách, thương binh nên trong quá trình giải quyết cũng gặp không ít khó khăn và nhạy cảm.

Anh Hùng ở đường Lò Đúc chia sẻ rằng, nhiều hộ, khi kê khai đất đai tính thuế, làm các nghĩa vụ với Nhà nước hoặc là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, căn hộ thường viết tay với nhau với giá rất rẻ nhằm được giảm thuế, trốn thuế. Tuy nhiên, khi giải tỏa mặt bằng, cũng mảnh đất, căn hộ vừa bán đó lại đòi hỏi mức giá cao nhất có thể, thậm chí “hét” mức “ngất ngưởng” trên cả giá thị trường, nhằm tạo sức ép để được “lót tay” của chủ đầu tư. Vì vậy, ở Hà Nội có những nơi đòi đền bù gần 1 tỷ đồng/m2.

Điển hình như cách đây không lâu, để giải tỏa khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng) phải mất nhiều năm trời và rất khó khăn trong giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của chừng dăm hộ dân. Đây là khu tập thể có quy mô lớn nhất Hà Nội, giải quyết được nhiều vấn đề dân sinh.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng từng phát biểu rằng, để khởi công được dự án Nguyễn Công Trứ, chủ đầu tư phải trải qua một thời gian rất dài từ khâu điều tra, khảo sát, lập dự án, nghiên cứu và ban hành cơ chế, chính sách, lập quy hoạch, bố trí tái định cư, tạm cư, giải phóng mặt bằng. Những công việc này vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nguồn lực rất lớn.

Một ví dụ điển hình khác, từ năm 2009, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đồng ý cho nghiên cứu lập và triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện 103 – Học viện Quân y tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.

Năm 2010, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có quyết định 3656 chấp thuận đầu tư dự án và giao đất với trên 17.000m2 để thực hiện. Các đơn vị, địa phương đã tiến hành các thủ tục liên quan và đã giải tỏa được 38/tổng số 39 hộ thuộc diện giải tỏa.

Tuy nhiên, chỉ còn một hộ duy nhất không chịu giải tỏa đã khiến dự án này đang bị đình trệ. Mặc dù, các cấp đoàn thể, mặt trận, chính quyền xã Tân Triều và huyện Thanh Trì lập nhiều đoàn công tác đến giải thích vận động hộ gia đình phối hợp kê khai, gửi nhiều thông báo đề nghị làm việc, nhưng hộ này luôn trong tình trạng “vắng nhà” và luôn to tiếng phản đối cán bộ và chỉ trả lời: “không chấp thuận giải phóng.” Như vậy, hàng trăm hộ cán bộ Bệnh viên Quân y 103 lại phải tiếp tục chờ đợi dự án hoàn thành để được nhận nhà ở, chỉ vì một hộ dân.

Hiện nay, nhiều dự án giao thông trọng điểm triển khai trên địa bàn Thủ đô cũng đang trong tình trạng vướng về mặt bằng, gây chậm trễ, điển hình như: Ðường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 Nội Bài, đường nối cầu Nhật Tân, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Ðông; đường vành đai 1, vành đai 2…

Những ngày gần đây, lãnh đạo Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, khẩn cấp với các bộ, ngành và đơn vị trực thuộc nhằm tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm.

Theo đó, có hàng loạt các giải pháp mạnh được đặt ra như rà soát, thu hồi các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai để hoang hóa. Dồn nguồn lực và tập trung chỉ đạo cho các dự án trọng điểm như Đường vành đai 1; vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng, cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Vọng; các tuyến đường sắt đô thị Yên Viên-Gia Lâm, Cát Linh-Hà Đông, Nhổn-Ga Hà Nội.

Thực hiện thanh tra, kiểm tra và đã thu hồi nhiều dự án được giao đất nhưng chậm triển khai, để chống lãng phí và bức xúc cho nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, tái định cư để di dời chỗ ở cho nhiều hộ dân thuộc diện giải tỏa như Nhà xã hội tại khu đô thị Việt Hưng; Đặng Xá 2, Khu nhà ở tại xã Ngọc Hồi, 102 Trường Chinh, Dịch Vọng NO4.B1 theo mô hình chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội. Tiếp tục cải tạo xây dựng lại chung cư cũ: Kim Liên, Giảng Võ, Thành Công.

Ủy ban Nhân dân Hà Nội chỉ đạo, tới đây các địa phương chú trọng công tác dân vận, tuyên truyền vận động người dân chấp hành các chủ trương, quy định trong giải tỏa mặt bằng. Đặc biệt, khi triển khai cần làm đúng quy trình thủ tục, tránh làm tắt, làm ẩu gây khiếu nại, khiếu kiện, làm chậm quá trình triển khai dự án.

Ngoài việc tuyên truyền vận động, áp dụng các cơ chế chính sách hợp tình, hợp lý, thì việc tuân thủ chấp hành các quy định của số ít các hộ là hết sức cần thiết. Có như vậy thì Hà Nội mới giải quyết được tình trạng quá tải đô thị, nhất là tắc nghẽn giao thông. Đặc biệt, là không để công trình “thi gan cùng tuế nguyệt”/.

Nguyễn Văn Cảnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục