Vì sao mức phí cao tốc Bắc-Nam lại 'cao vọt' lên 3.400 đồng/km?

Mức phí đường cao tốc Bắc-Nam có giá khởi điểm 1.500 đồng/km và sẽ tăng lên 2.400 đồng/km sau đó 10 năm. Tới năm 2042, mức phí lên cao nhất 3.400 đồng/km.
Vì sao mức phí cao tốc Bắc-Nam lại 'cao vọt' lên 3.400 đồng/km? ảnh 1Dự án cao tốc Bắc-Nam có mức phí đường khởi điểm 1.500 đồng/km. (Ảnh: TTXVN)

Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 dài 657km với tổng mức đầu tư 105.046 tỷ đồng sẽ có mức giá thu phí khởi điểm là 1.500 đồng/km (mức giá trung bình của các cao tốc đã khai thác hiện từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng).

Mức này sẽ tăng lên 2.400 đồng/km sau đó 10 năm, và lên cao nhất 3.400 đồng/km vào năm 2042.

[Bộ trưởng GTVT: Cao tốc Bắc-Nam mức phí cao nhất là 3.400 đồng/km]

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, để có cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu, trên cơ sở các nguyên tắc xác định giá theo quy định của pháp luật về giá, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán lựa chọn mức giá phù hợp cho giai đoạn khởi điểm cũng như các thời kỳ trong cả vòng đời dự án.

“Mức phí này phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của nhà đầu tư và lợi ích của Nhà nước, bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá,” Bộ trưởng Thể khẳng định.

Để chọn được nhà đầu tư lành mạnh, ngoài việc tổ chức đấu thầu công khai, Bộ Giao thông Vận tải còn yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư ít nhất là 15%, có những dự án là 20% để chọn lựa nhà đầu tư thực sự có năng lực về tài chính. Trước đây, khi làm Quốc lộ 1 chỉ quy định từ 10-15%. “Việc này không phải do Bộ Giao thông Vận tải tự quyết mà do các bộ, ngành và Chính phủ cho phép,” Bộ trưởng Thể nói.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (PPP-Bộ Giao thông Vận tải), cơ sở xây dựng khung phí dựa trên nguyên tắc mức chi trả thấp, tăng trưởng mỗi năm 4% là mức thiên về an toàn, phù hợp với chiến lược kinh tế và tăng trưởng thu nhập người dân. Nếu mức giá cao, người dân không đi mà chọn Quốc lộ 1 thì nhà đầu tư lo không thể hoàn vốn.

Đơn cử như ở nước ngoài cho nhà đầu tư kiểm soát, khi đấu thầu xong dự án tùy nhà đầu tư quyết định mức giá. Nếu giá rẻ, đông xe sẽ dẫn đến tắc đường, thậm chí có nhà đầu tư đưa ra mức phí linh hoạt trong các khung giờ cao và thấp điểm.

“Các tuyến đường song hành nhà đầu tư đặt phí quá ‘chát’ thì sẽ chết trước, lỗ hay lãi cũng chỉ thu trong vòng đời quy định khoảng 24-30 năm của dự án, sau đó phải trả lại tuyến đường lại cho Nhà nước,” ông Huy cho hay.

Riêng đường song hành, theo ông Huy, để nhà đầu tư tự quyết để nhà đầu tư lựa chọn, có chăng Nhà nước chỉ khống chế giá trần để không vượt mức quá cao, mức phí được điều chỉnh linh hoạt giống như vé máy bay.

[Năm 2030: Việt Nam sẽ có thêm bao nhiêu kilômét đường cao tốc?]

Cập nhật tiến độ thực hiện dự án, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, 8 dự án phân khúc (xây dựng theo hình thức BOT) đang ở bước hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và sẽ hoàn thành hồ sơ mời thầu ngay khi báo cáo được phê duyệt.

Bộ Giao thông Vận tải cũng dự kiến sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đường bộ cho các địa phương khoảng đầu năm 2019. Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thiện trong quý 1/2020 để thi công và hoàn thành các dự án vào năm 2021.

Với 3 dự án đầu tư công, dự kiến công tác thi công đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và đoạn Cam Lộ-La Sơn bắt đầu triển khai từ tháng 4/2019, thi công trong khoảng 2 năm (hoàn thành năm 2021); dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu triển khai thi công từ quý 3/2019 và hoàn thành sau đó 3,5 năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục