Vì sao Nga "xoay" chính sách hướng Đông về ASEAN?

Ông Putin đang đưa ra chỉ dấu để Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc đanh cạnh tranh về tầm ảnh hưởng ở khu vực, thấy rằng Moskva sẽ trở nên chủ động hơn và tìm kiếm ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Vì sao Nga "xoay" chính sách hướng Đông về ASEAN? ảnh 1(Nguồn: En.russia-asean20.ru)

Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Singapore hôm 13/11 vừa qua. Chuyến thăm trùng với hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga lần thứ 3, Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga-Singapore, chuyến thăm của Putin đánh dấu một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm mở rộng chính sách xoay trục về phía Đông của Moskva.

Nhận định này được đưa ra trong bài viết đăng trên trang mạng Diễn đàn Đông Á ngày 23/11.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Putin và Tổng thống Singapore Halimah Yacob đã cùng tiến hành lễ khởi công xây dựng Trung tâm Văn hóa Nga (RCC). Trung tâm này sẽ thúc đẩy công tác nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Nga ở Singapore, đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa, các hoạt động triển lãm và phát triển khoa học và công nghệ. Nhân dịp này, lãnh đạo hai nước cũng ký kết 4 thỏa thuận song phương.

Chuyến thăm của Putin đến Singapore diễn ra 9 năm sau khi chuyến thăm của cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hồi năm 2009 và hơn 2 năm sau chuyến thăm Nga năm 2016 của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Trong giai đoạn này, quan hệ thương mại song phương tăng lên 5,4 tỷ USD trong năm 2017 từ mức 1,4 tỷ USD trong năm 2007.

Theo số liệu thống kê năm 2017, 690 công ty Nga đang hoạt động ở Singapore và Nga là đối tác thương mại đứng thứ 24 của Singapore. Các công ty Singapore cũng hoạt động tích cực ở Moskva, Cộng hòa Tatarstan (Nga) và thành phố Penza (thuộc Vùng liên bang Volga của Nga).

Tính đến cuối năm 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Singapore ở Nga lên tới 306 triệu USD, với khoảng 20 công ty Singapore hoạt động ở Nga trong các lĩnh vực như công nghệ, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, cơ sở hạ tầng và thương mại.

Mối quan hệ kinh tế của Singapore với Nga có thể được tăng cường hơn nữa trong tương lai với khả năng công ty khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Singapore Pavilion Energy (PE) sẽ “có chân” trong dự án Arctic LNG 2 trị giá 25,5 tỷ USD do tập đoàn khí đốt độc lập lớn nhất của Nga Novatek phát triển.

Một thỏa thuận vạch ra lĩnh vực hợp tác tiềm năng này đã được Chủ tịch Novatek Leonid Mikhelson ký kết với Giám đốc điều hành Frederic Barnaud bên lề chuyến thăm của Putin đến Singapore.

Chuyến thăm này cũng tạo động lực quý giá cho những nỗ lực của Singapore và Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga dẫn đầu để thiết lập một hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện tại, Việt Nam là thành viên duy nhất của ASEAN có FTA với liên minh này. Bước phát triển như vậy sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước của Nga có quy mô lớn đang tìm cách mở rộng sự hiện diện ở Singapore và dùng quốc gia Đông Nam Á này như một bàn đạp tiến sâu hơn vào thị trường khu vực ASEAN.

[Tổng thống Putin: Nga và ASEAN có thể tổ chức diễn tập chung]

Mục tiêu địa chính trị chủ yếu trong chuyến thăm của Putin là nhằm đẩy lùi hơn nữa các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga. Không hề né tránh, sự tham dự của Putin trong buổi lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga và EAS ở Singapore đã cho thấy ý định của Moskva trong việc mở rộng chính sách xoay trục về phía Đông của nước này, vốn lâu nay tập trung chủ yếu vào Trung Quốc và khu vực Đông Bắc Á.

Sự mở rộng này hàm chứa một chương trình nghị sự rõ ràng về kinh tế. Nhiều quốc gia thành viên của EAS (10 nước ASEAN cùng với Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, New Zealand, Hàn Quốc và Mỹ) đều là những đối tác kinh tế quan trọng cũng như là những đối tác kinh tế ngày càng lớn của Nga.

Khi tham dự hai hội nghị thượng đỉnh nói trên, ông Putin muốn trấn an các đối tác Đông Nam Á, đặc biệt là ASEAN, rằng Nga hết sức coi trọng và nghiêm túc trong việc nâng cao các mối quan hệ này.

Putin cũng muốn “ủng hộ” và có lẽ muốn chứng minh để Đông Nam Á thấy rằng Nga là một cường quốc được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong khu vực và không thể bị bỏ qua. Tương tự, ông Putin cũng đang đưa ra chỉ dấu để Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc đanh cạnh tranh về tầm ảnh hưởng ở khu vực, thấy rằng Moskva sẽ trở nên chủ động hơn và tìm kiếm ảnh hưởng ở Đông Nam Á.

Lợi ích gia tăng của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thể hiện những ẩn ý đối với ASEAN.

Mặt khác, ASEAN cần hoan nghênh sự hiện diện mạnh mẽ của Nga trong các vấn đề chính trị, kinh tế và văn hóa ở khu vực. Mặc dù vẫn còn nhiều điều mong mỏi về thực trạng hiện nay của mối quan hệ Nga-ASEAN song việc tăng cường mối quan hệ này sẽ đem lại lợi ích cho cả hai.

Đông Nam Á không nên trở thành con tin của tình trạng căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng không thể trở thành nạn nhân của tình trạng đối đầu này. Thực ra, đây là một nhiệm vụ và thách thức không dễ dàng đối với ASEAN song chắc chắn xứng đáng để đạt được.

Mặc khác, ASEAN cần nhận thức rõ về khả năng mà tình trạng đối địch nước lớn trong khu vực chỉ có thể gia tăng nếu chuyến thăm của Putin khiến Nga có tầm hưởng ở các cấp độ cao hơn và tích cực hơn trong khu vực. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ không chào đón bất kỳ “sự cạnh tranh” nào liên quan đến Nga.

Mặc dù vậy, khi xem xét mọi vấn đề thì ít khả năng Nga sẽ có thể hoặc thậm chí sẵn lòng đầu tư nguồn lực cần thiết để tạo dấu ấn ảnh hưởng của mình trong khu vực. Những nỗ lực của ông Putin ở Singapore chưa thể hiện ở mức là sự cố gắng hay mong muốn. Tuy nhiên, Nga sẽ hành động dựa trên thực tế và quan hệ kinh tế, chính trị và chiến lược của Moskva với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên hiện ở cấp độ cao hơn so với mối quan hệ của Nga với ASEAN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục