Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai của Việt Nam được công bố ngày 18/12, tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cuộc điều tra do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết so sánh với kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ nhất được thực hiện vào năm 2012, số liệu gần đây cho thấy tỷ lệ lao động trẻ em của Việt nam đã giảm từ 9,6% năm 2012 xuống còn gần 5,4% năm 2018, tức là giảm gần 4%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tỷ lệ chung trên toàn cầu.
[Xây dựng quy định cụ thể về sử dụng lao động là người chưa đủ 15 tuổi]
Theo ông Nam, đại dịch COVID-19 có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng lao động trẻ em, tuy nhiên với nỗ lực của Việt Nam trong ngăn chặn dịch bệnh và ban hành các gói hỗ trợ cho người lao động có nguy cơ bị mất việc làm, các doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản, các hộ gia đình nghèo, cận nghèo… Các chính sách này sẽ giúp đại dịch COVID-19 ít tác động đến nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em của Việt Nam
“Vấn đề lao động trẻ em sẽ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rút ra bài học để xây dựng kế hoạch tiếp tục giảm thiểu lao động trẻ em đến năm 2025 và năm 2030, đặc biệt là năm 2021(năm được đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn là năm quốc tế về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em). Để đại dịch COVID-19 không thể tác động đến việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), đặc biệt là mục tiêu 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức," ông Đặng Hoa Nam nói./.