Viện IFS: Anh đối mặt viễn cảnh phải thắt chặt chi tiêu ngân sách

Viện Nghiên cứu tài khóa (IFS) công bố 1 nghiên cứu cho rằng Anh có thể sẽ phải thắt chặt đáng kể chi tiêu ngân sách để có thể khắc phục những vấn đề tài chính quốc gia.
Viện IFS: Anh đối mặt viễn cảnh phải thắt chặt chi tiêu ngân sách ảnh 1Đồng tiền mệnh giá 50 bảng Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Anh có thể sẽ phải thắt chặt đáng kể chi tiêu ngân sách để có thể khắc phục những vấn đề tài chính quốc gia nếu không muốn tiếp tục phải đảo ngược chính sách cắt giảm thuế mới công bố gần đây.

Đây là kết quả nghiên cứu mới được Viện Nghiên cứu tài khóa (IFS) công bố một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng đề xuất kế hoạch giảm nợ và các dự báo kinh tế sau khi ngân sách mới của chính phủ khiến các thị trường chao đảo.

Ông Kwarteng đã buộc phải tạm gác kế hoạch giảm thuế cho nhóm người giàu nhất trong bối cảnh người dân Anh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt và lạm phát dao động quanh mức 10%.

[Thủ tướng Anh Liz Truss muốn tăng vay nợ để khôi phục kinh tế]  

Hồi tháng trước, chính phủ của Thủ tướng Liz Truss đã công bố ngân sách mới với những biện pháp cắt giảm thuế mạnh tay làm dấy lên lo ngại về khoản nợ công ngày càng phình to.

Chính phủ Anh đề xuất ngân sách trên với ý định thúc đẩy kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái nhưng lại nhận về phản ứng ngược khi khiến đồng bảng Anh lao dốc và các khoản thanh toán nợ nước ngoài tăng.

Trong nghiên cứu mới, IFS cho rằng khi nền kinh tế yếu đi, nếu chính phủ vẫn muốn duy trì năng lực tài chính bền vững mà không phải hủy bỏ các biện pháp cắt giảm thuế đã đưa ra thì chỉ còn cách thắt chặt chi tiêu công một cách mạnh tay.

IFS cho rằng ông Kwarteng cần siết chặt tài khóa, trong đó có thể lựa chọn giảm chi tiêu công hoặc tăng thuế, để có được giá trị điều chỉnh tổng cộng là hơn 60 tỷ bảng Anh (67 tỷ USD) chỉ để ổn định các mức nợ công đến năm 2027.

Kể cả khi kinh tế tăng trưởng nhanh hơn dự báo, ông Kwarteng cũng vẫn cần một khoản điều chỉnh 40 tỷ bảng.

Ngày càng nhiều người lo ngại rằng Anh sẽ phải bước vào làn sóng "thắt lưng buộc bụng" như thời kỳ sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo đó các khoản chi cho y tế công và giáo dục sẽ giảm mạnh.

Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Liz Truss đến nay vẫn khẳng định không xảy ra kịch bản này.

Nợ công của Anh được dự báo sẽ lên gần 200 tỷ bảng trong tài khóa 2022 kết thúc vào tháng 4/2023, mức cao thứ 3 trong lịch sử, chỉ sau các mốc ghi nhận trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục