Việt Nam cam kết tuân thủ theo quy luật thị trường về giá lúa gạo

Đối với vấn đề giá lúa gạo, Việt Nam cam kết tuân thủ theo quy luật thị trường về giá và luôn thực hiện trách nhiệm của Việt Nam với vấn đề an ninh lương thực.
Việt Nam cam kết tuân thủ theo quy luật thị trường về giá lúa gạo ảnh 1Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh hoạ: Đình Huệ/TTXVN)

Liên quan đến thông tin Chính phủ Thái Lan thông báo đã cùng Việt Nam đã đạt được thỏa thuận tăng giá gạo trong bối cảnh nông dân phải chịu chi phí sản xuất cao, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định Việt Nam luôn tuân theo quy luật thị trường về giá lúa gạo.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 5/9 tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Việt Nam tuân thủ đúng theo quy định của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Đối với vấn đề lúa gạo, Việt Nam cam kết tuân theo quy luật thị trường về giá và luôn thực hiện trách nhiệm với vấn đề an ninh lương thực.

Về tình hình xuất khẩu gạo trong 8 tháng năm 2022, mặc dù sản lượng và giá trị đều tăng nhưng giá gạo xuất khẩu đã bất ngờ giảm mạnh trong tháng Tám. Xuất khẩu gạo trong 8 tháng đạt 4,73 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 18,6% về khối lượng và 8,1% về giá trị so với cùng kỳ 2021. Sản lượng tăng tốt nhưng giá gạo xuất khẩu liên tục đi xuống. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 8 ở mức 390-393 USD/tấn, giảm 25 USD so với tháng trước và là đợt giảm lần thứ 4 liên tiếp.

Hiện giá gạo Việt Nam thấp hơn Thái Lan dù trước đó giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp trụ vững và chiếm vị trí quán quân trong 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống là Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ. Liên tục giảm nên giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng của Việt Nam ước đạt 487 USD/tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

[Xuất khẩu gạo có sự gia tăng nhưng khó có sự bứt phá về giá]

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động phương án xuất khẩu gạo và tận dụng những lợi thế hiện có, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết đơn vị này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, cập nhật những diễn biến về thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

“Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị đồng thời phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Với triển vọng từ đầu năm đến nay, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu sản lượng xuất khẩu gạo đạt 6,5-6,7 triệu tấn,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Giá gạo Việt Nam giảm thời gian qua do chất lượng của vụ thu hoạch này chỉ ngang bằng với gạo Thái Lan và Ấn Độ, vốn có mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, giá có khả năng sẽ không giảm thêm vì nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh trong khi nguồn cung từ vụ thu hoạch Hè Thu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm.

Bên cạnh đó, gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường mới, cao cấp như Hoa Kỳ, châu Âu... Đặc biệt, Nhật Bản đã chính thức nhập khẩu 100 tấn gạo ST25 đầu tiên của Việt Nam để bán tại các siêu thị, cửa hàng... Thêm vào đó, nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới đang khan hiếm nên nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam trên thị trường rất cao./.

Ngày 29/8, hãng tin CNA đưa tin, một quan chức Thái Lan cho biết Thái Lan và Việt Nam đã nhất trí hợp tác trong việc nâng giá gạo trên thị trường toàn cầu, sau nhiều tháng đàm phán nhằm cải thiện thu nhập ở nông thôn. Mục tiêu của kế hoạch là tăng giá gạo xuất khẩu, tăng đòn bẩy của hai nước trên thị trường toàn cầu và nâng cao thu nhập của nông dân.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho rằng thúc đẩy giá gạo xuất khẩu ở mức công bằng hơn là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các quốc gia xuất khẩu. Việc Thái Lan và Việt Nam nhất trí hợp tác trong vấn đề này là bước đi đầu tiên. Về lâu dài, hai nước sẽ đề nghị Ấn Độ và nhiều quốc gia xuất khẩu gạo khác tăng cường hợp tác, thay vì cạnh tranh, để điều tiết giá gạo xuất khẩu ở mức hợp lý. Qua đó một mặt hỗ trợ người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất-xuất khẩu, mặt khác bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Hiện nay, sản lượng gạo của hai nước Thái Lan và Việt Nam chiếm khoảng 10% sản lượng gạo thô toàn cầu và khoảng 26% lượng gạo xuất khẩu của toàn thế giới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục