“Việt Nam cần thiết lập một Hội đồng nghề Du lịch Quốc gia”

Chuyên gia của Dự án EU cho rằng, Việt Nam cần thiết lập một Hội đồng nghề Du lịch Quốc gia và các chủ thể có hiểu biết về thủ tục thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch.
“Việt Nam cần thiết lập một Hội đồng nghề Du lịch Quốc gia” ảnh 1Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Franz Jessen phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV)

“Ngành du lịch cần nhiều lao động có trình độ hơn nữa nhằm tăng cường tính cạnh tranh cũng như đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn. Với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu, thông qua bộ tiêu chuẩn nghề VTOS, các trường đại học/cao đẳng đào tạo du lịch sẽ được trang bị bài bản hơn để đào tạo một lực lượng lao động trẻ mà ngành du lịch đang thực sự cần.”

Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Franz Jessen đã nhấn mạnh như vậy trong khuôn khổ Hội nghị Thực hiện các tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS), Điều chỉnh theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP), diễn ra sáng nay (3/12), tại Hà Nội.

Các chuyên gia hàng đầu trong ngành du lịch tham dự hội nghị đã làm rõ và khẳng định tầm quan trọng cũng như lợi ích của bộ tiêu chuẩn nghề du lịch VTOS và MRA-TP, từ đó cải thiện sự phù hợp và tính hiệu quả của hệ thống tiêu chuẩn VTOS đồng thời nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên hoạt động thường niên về nguồn nhân lực du lịch được tổ chức, với mong muốn từ đó hình thành cơ chế đối thoại thường trực và mối quan hệ đối tác hiệu quả giữa khu vực nhà nước và tư nhân trong ngành du lịch.

Sự kiện này sẽ đóng vai trò như một “hình mẫu” cho cơ chế đối thoại/hợp tác công-tư trong ngành du lịch được thực hiện thường xuyên, bền vững, hiệu quả và “làm mẫu” để có thể trở thành một sự kiện định kỳ thường niên cấp quốc gia và khu vực, do các quốc gia ASEAN luân phiên chủ trì.

Đặc biệt, chuyên gia Liên minh châu Âu cũng cho biết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào năm 2015, cho phép những người lao động có kỹ năng trong ngành du lịch từ các nước ASEAN tới Việt Nam làm việc và ngược lại.

“Nhằm đối phó với thách thức này, Việt Nam cần thiết lập một Hội đồng nghề Du lịch Quốc gia và một khung chứng chỉ toàn diện, đảm bảo có đủ đào tạo viên, đánh giá viên/thẩm định viên và các trung tâm đánh giá tại chỗ và các chủ thể trong ngành đều hiểu biết về thủ tục của MRA-TP,” ông Kai Partale, chuyên gia phát triển ngành du lịch của Dự án EU, cho biết.

Ông Kai cũng cho rằng, cần có một hệ thống cấp chứng chỉ và đăng ký được liên kết với Hệ thống đăng ký lao động du lịch ASEAN.

Bên cạnh đó, được xây dựng từ năm 2007, tiêu chuẩn VTOS đã và đang được các doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề du lịch sử dụng rộng rãi. Hiện tại, khi đã được điều chỉnh và cập nhật dưới dạng cấu trúc module (mô-đun), mười bộ tiêu chuẩn nghề VTOS đã được Tổng cục Du lịch phê duyệt để triển khai thực hiện trong ngành Du lịch và Khách sạn.

Các tiêu chuẩn VTOS phiên bản mới được xây dựng và dựa trên thang chuẩn là các tiêu chuẩn nghề quốc tế và phù hợp với Hướng dẫn trong Quyết định số 09/2008/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đó quy định các nguyên tắc và quy trình xây dựng các Tiêu chuẩn kĩ năng nghề Quốc gia.

Sự kiện do dự án Chương trình Phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ (gọi tắt là “Dự án EU”) phối hợp với Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (gọi tắt là “EuroCham”) và Tiểu ban Du lịch và Nhà hàng - Khách sạn tổ chức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục