Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (EU)” cho ngành du lịch Việt Nam được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Liên minh châu Âu từ năm 2011 đến nay đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao nhận thức môi trường, văn hóa, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch, tối đa hóa thu nhập cho người lao động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những thách thức, khó khăn mà ngành du lịch Việt Nam cần phải vượt qua và cần có những kế hoạch cụ thể để hướng tới Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển vào năm 2030.
Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị về Sự bền vững của Phát triển Du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam diễn ra vào ngày 13/11, do Liên minh châu Âu phối hợp với Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc dự án EU cho biết du lịch có trách nhiệm chính là cốt lõi để phát triển ngành du lịch một cách bền vững. Phát triển du lịch có những tác động tích cực đối với đời sống, kinh tế văn hóa xã hội như tạo việc làm, tăng thu nhập, thương mại hóa về văn hóa môi trường nhưng mặt khác lại có những tiêu cực là gây ảnh hưởng đến môi trường, giá trị văn hóa truyền thống.
Vì vậy, du lịch có trách nhiệm sẽ mang đến một hướng đi cho tất cả các thành tố liên quan đến hoạt động du lịch nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực và tăng cường các tác động tích cực mà du lịch đem lại.
Theo ông Vũ Quốc Trí, nhà nước cần sớm có khung chính sách du lịch có trách nhiệm được ban hành cấp quốc gia để làm thước đo đánh giá cho các đơn vị hoạt động liên quan du lịch. Đồng thời, cần có những bước đột phá trong hệ thống quản lý nhà nước như về mặt quản lý tài nguyên thiên nhiên; nâng cao khả năng lãnh đạo; triển khai các hoạt động trong lĩnh vực du lịch… để duy trì bền vững sự phát triển của ngành du lịch.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục Trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam khẳng định, mặc dù dự án EU đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều thách thức.
Phát triển du lịch có trách nhiệm cần được tất cả các đối tác liên quan cam kết thực hiện và sự tham gia rộng rãi của các thành phần xã hội, nhằm tạo ra hình ảnh mới cho du lịch Việt Nam, giúp du lịch Việt nâng cao được năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, cần gắn kết với các đối tác liên quan đến hoạt động du lịch với nhau để cùng hành động có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất việc tích hợp du lịch có trách nhiệm vào việc xây dựng quy hoạch, quản lý hoạt động du lịch tại Việt Nam sẽ hướng dẫn cho sự phát triển của lĩnh vực năng động này và xác định Việt Nam là một điểm đến có chất lượng cao, có sức cạnh tranh và bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Hội nghị cũng đưa ra Tuyên bố chung về du lịch có trách nhiệm bền vững tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến 6 trụ cột trong khu chính sách du lịch có trách nhiệm gồm công tác quản lý nhà nước; thúc đẩy năng lực cạnh tranh kinh doanh và các thị trường bền vững; sử dụng du lịch để phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng nhận thức về du lịch bền vững; phát triển đội ngũ lao động và bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa tự nhiên một cách cẩn trọng./.