Việt Nam ghi dấu thành tựu về Quyền con Người trong lao động, xã hội

Việt Nam đã ghi dấu nhiều thành tựu ấn tượng so với các nước trong khu vực trong việc bảo đảm và thúc đẩy Quyền con Người ở lĩnh vực lao động, xã hội và bình đẳng giới, phòng, chống mua bán người.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Trong những năm qua, quyền của người dân được tham gia, hỗ trợ trong lĩnh vực lao động, xã hội ngày càng tốt hơn, củng cố hơn nữa những nỗ lực và thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người tại Việt Nam. Điều này đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam trúng cử trở thành 1 trong 14 thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025

Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (10/12/1948-10/12/2022), hãy cùng nhìn lại những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực lao động, xã hội.

Thành tựu an sinh xã hội ấn tượng

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và triển khai chính sách xã hội. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đặc biệt, chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 của Việt Nam đã có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc, từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117/187 năm 2020. Điều này đem lại niềm tin và sự hài lòng trong người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Đánh giá cao quá trình thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam trong 10 năm qua, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh thành tựu lớn nhất của Việt Nam chính là ngày càng có nhiều người hưởng lợi từ các chính sách xã hội trong những năm qua.

[Việt Nam cần đầu tư hơn về nhân lực, tài chính cho lĩnh vực xã hội]

Theo bà Pauline Tamesis, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực giảm nghèo, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Điều này cũng đã góp phần nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, bà Pauline Tamesis cho rằng việc chỉnh sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và ban hành Nghị định 20 về trợ giúp xã hội sẽ là những cơ sở quan trọng để xây dựng tầm nhìn phát triển hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam trong tương lai.

Chất lượng quyền con người ngày càng nâng cao

Những thành tựu tăng dần qua từng năm trong đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về đảm bảo quyền con người, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Việt Nam ghi dấu thành tựu về Quyền con Người trong lao động, xã hội ảnh 1Việt Nam đã đạt được kết quả giảm nghèo ấn tượng trong những năm qua. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Chia sẻ về việc thực hiện các Khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về Quyền con Người (Cơ chế UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong lĩnh vực lao động-xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ trong hơn nửa chặng đường của UPR chu kỳ III, Việt Nam nói chung cũng như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nói riêng nỗ lực và thực hiện được 82,6% các khuyến nghị đã chấp thuận với nhiều kết quả nổi bật.

Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như việc thụ hưởng quyền con người. Nhờ đó, Việt Nam đã ghi dấu nhiều thành tựu ấn tượng so với các nước trong khu vực trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở lĩnh vực lao động, xã hội và bình đẳng giới, phòng, chống mua bán người.

“Trong 13 năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực, trách nhiệm tại Cơ chế UPR, tỷ lệ chấp thuận và thực hiện khuyến nghị cao dần đều qua 3 chu kỳ chứng tỏ năng lực về thể chế, nguồn lực và tài chính tại Việt Nam cho việc thực hiện quyền con người ngày càng được nâng cao và mở rộng,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói.

Đối với các khuyến nghị của UPR trong lĩnh vực lao động, xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chia thành 6 nhóm hoạt động: Hoàn thiện chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện quyền của người lao động; xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội; bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương gồm người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng thuộc chính sách bảo trợ xã hội, kể cả nạn nhân bị mua bán người; bảo đảm quyền của phụ nữ và bình đẳng giới; bảo đảm và bảo vệ quyền của trẻ em và các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức.

Các hoạt động tích cực thực hiện khuyến nghị đã góp phần nâng cao được quyền của các nhóm yếu thế, của người lao động, tăng cường an sinh xã hội và góp phần đảm bảo ổn định chính trị-kinh tế và xã hội của đất nước, tăng cường chất lượng thực hiện quyền con người của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục