Việt Nam sẽ thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường nhập siêu lớn

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho răng, trong năm 2018, thành tích xuất nhập khẩu không chỉ dừng ở con số cao mà sẽ hướng tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường khó tính và nhiều năm nhập siêu cao.
Việt Nam sẽ thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường nhập siêu lớn ảnh 1Ảnh chỉ mang tính mính họa. (Nguồn: TTXVN)

​Để tạo ra sự chuyển biến lớn về xuất khẩu trong năm 2018, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu, trong đó hướng mạnh vào những thị trường ​như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Xuất khẩu điện thoại tăng 80,7%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2018 ước đạt 19,0 tỷ USD, giảm 3,3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,41 tỷ USD, giảm 5,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,59 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước.

Trong khi một số mặt hàng như: Sắt thép giảm 28,3%, giày dép giảm 11,5%, hàng dệt may giảm 7,2% thì một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng mạnh, tạo lực đẩy tích cực cho hoạt động xuất khẩu của cả nước.

Đáng chú ý, mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng 80,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, hàng dệt may cũng đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,6%, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, tăng 37,9%, giày dép đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,1 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng 1/2018, Trung Quốc dẫn đầu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 4,5 tỷ USD, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Hoa Kỳ đạt 3,5 tỷ USD, tăng 17%, EU đạt 3 tỷ USD, tăng 6,6% và ASEAN đạt 1,7 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2018 ước tính đạt 19,3 tỷ USD, tăng mạnh 47,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao vào tháng giáp Tết Nguyên đán.

Như vậy, trong tháng 1/2018, ước tính cả nước nhập siêu khoảng 300 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,4 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,1 tỷ USD.

- Biểu đồ nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI:

Việt Nam sẽ thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường nhập siêu lớn ảnh 2

Chủ lực vẫn là khối FDI

Đánh giá về hoạt động xuất xuất nhập khẩu của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 425 tỷ USD, tăng 18,32% so với năm 2016.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016 và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 - 8%).

Cũng trong năm 2017, Hàn Quốc vươn lên trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 53,4% so với năm trước, trong khi nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ước đạt 23,2 tỷ USD, giảm 17,4% so với năm trước.

"Điểm quan trọng trong thành tích xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018 là không chỉ đạt con số cao mà tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường khó tính và nhiều năm chúng ta nhập siêu cao như Hàn Quốc, ASEAN, Trung Quốc…," ông Hải nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, chỉ tính riêng năm 2017, khối FDI đã xuất siêu gần 29 tỷ USD, tăng 22% so với năm trước, đưa xuất siêu của cả nước lên mức khoảng 2,7 tỷ USD.

Dù vậy, để nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, không chỉ Bộ Công Thương mà các cơ quan chức năng cần có nhiều chính sách hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp 100% vốn trong nước.

"Chúng ta đã có rất nhiều cái lợi từ sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào sự phát triển của nền kinh tế, nhưng bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải cố gắng và Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Chia sẻ thêm về lĩnh vực này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một loạt các cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều nhóm giải pháp như hỗ trợ tín dụng, đầu tư, đào tạo nhân lực...

​Thời gian tới, phía Bộ Công Thương cũng sẽ tham mưu và tạo điều kiện để tạo ra sự kết nối lớn hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu./.

Trong năm 2018, Quốc hội đặt chỉ tiêu cho Bộ Công Thương là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10% và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Lãnh đạo Cục xuất nhập khẩu nói về vai trò của các doanh nghiệp FDI
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục