Vinalines: Tái cơ cấu là chìa khóa để con tàu vững bước ra khơi

Vinalines vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước mắt cả về vận tải biển, cảng biển lẫn xu hướng liên minh giữa các hãng tàu với doanh nghiệp cảng biển.
Vinalines: Tái cơ cấu là chìa khóa để con tàu vững bước ra khơi ảnh 1Vận tải biển-cảng biển-logistics là thế mạnh kiềng 3 chân của Vinalines. (Ảnh: TTXVN)

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan về tình hình hoạt động kinh doanh khi năm thứ hai liên tiếp có lợi nhuận chỉ sau sáu tháng, cùng với quá trình tái cơ cấu (giảm nợ, giãn nợ, thoái vốn), tuy nhiên, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước mắt cả về vận tải biển, cảng biển lẫn xu hướng liên minh giữa các hãng tàu với doanh nghiệp cảng biển.

Đương đầu với… “sóng dữ”

Theo báo cáo của Vinalines, sáu tháng đầu năm nay, sản lượng vận tải biển khoảng 11,8 triệu tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng hàng thông qua cảng khoảng 49,3 triệu tấn, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước đó.

[Bộ trưởng Giao thông: ‘Con tàu Vinalines đã vượt qua được sóng lớn’]

Doanh thu khoảng 7.624 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 55,9% so với kế hoạch. Lợi nhuận khoảng 41 tỷ đồng, bằng 6,1 % so với kế hoạch (do tiến độ cổ phần hóa của Công ty mẹ-Tổng công ty được điều chỉnh nên kết quả sản xuất kinh doanh sáu tháng đầu năm chưa được hoàn nhập khoản dự phòng do đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính khi cổ phần hóa).

“Như vậy, so với cùng kỳ năm 2017, ước kết quả hoạt động sáu tháng đầu năm nay ghi nhận những chỉ số tăng trưởng về doanh thu, sản lượng hàng hóa vận chuyển và sản lượng hàng hóa thông qua cảng. So với kế hoạch năm 2018, các chỉ số về doanh thu, sản lượng hàng hóa vận chuyển, sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước thực hiện đều đạt trên 50%,” ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Tĩnh, thị trường vận tải biển đã ổn định nhưng giá cước vận tải và cho thuê tàu tiếp tục vẫn ở mức thấp. Trên thị trường vận tải biển diễn ra sự cạnh tranh gay gắt. Từ khi ngành vận tải biển suy thoái đến nay, các chủ tàu tư nhân trong nước đã tận dụng việc đầu tư được tàu giá thấp để đầu tư các nhóm tàu phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước, gia tăng năng lực cạnh tranh và dần chiếm lĩnh thị trường trong nước trên các phân khúc tàu.

Đặc biệt, điều khiến vị quyền Tổng giám đốc Vinalines lo ngại chính là xu hướng liên minh giữa các hãng tàu với các doanh nghiệp cảng biển hoặc tự khai thác khép kín dịch vụ đã tạo nên sức cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước, làm ảnh hưởng đến thị phần của các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải.

[Vinalines phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng Chín tới]

Theo ông, các tập đoàn logistics nước ngoài đã được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp này hiện đang chiếm khoảng 80% thị phần logistics trong nước nên các doanh nghiệp logistics nội địa gặp nhiều khó khăn khi yếu thế hơn hẳn về vốn, mạng lưới hoạt động...

Bên cạnh đó, việc di dời của các cảng biển của Tổng công ty (Cảng Sài gòn, Hải Phòng) theo kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của các địa phương đã ảnh hưởng đến năng lực khai thác cảng, giảm sản lượng hàng hóa thông qua cảng; sự gia tăng cạnh tranh tại tất cả các khu vực cảng biển đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng và thị phần của các doanh nghiệp cảng biển của Tổng công ty.

Xử lý giảm được 78% nợ

Đề cập đến công tác tái cơ cấu, theo ông Tĩnh, Tổng công ty đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành việc xây dựng phương án cổ phần hóa Công ty mẹ-Tổng công ty và ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ-Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

[Tái cơ cấu Vinalines: Hải trình “ông lớn” đang đi đúng hướng?]

Tổng công ty đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo của quá trình cổ phần hóa. Dự kiến, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) vào đầu tháng Chín tới đây và chính thức chuyển sang Công ty cổ phần trong quý 4 năm nay.

Vinalines: Tái cơ cấu là chìa khóa để con tàu vững bước ra khơi ảnh 2Tàu Vinalines Trader năm đóng 1997, trọng tải 69.614 DWT được Vinalines thanh lý. (Nguồn: shipspotting)

Một điểm sáng cần phải được nhắc tới trong những tháng vừa qua chính là Công ty mẹ-Tổng công ty đã xử lý giảm nợ được 109 tỷ đồng. Tổng dư nợ hiện tại chỉ còn 2.559 tỷ đồng (giảm 78% so với thời điểm trước tái cơ cấu năm 2014). Các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nợ tại các ngân hàng thương mại theo hướng đàm phán giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay.

Ngoải ra, Tổng công ty tiếp tục xử lý những tài sản gây thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả nhằm tinh gọn tài sản. Trong sáu tháng qua, Vinalines đã thực hiện bán 3 tàu với tổng trọng tải 0,062 triệu tấn. Đội tàu hiện còn 81 chiếc với tổng trọng tải khoảng 1,73 triệu tấn (giảm 50% tổng trọng tải đội tàu trước thời điểm tái cơ cấu).

Tổng công ty đã hoàn thiện hồ sơ để thực hiện thoái vốn tại 3 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Công ty cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu.

Lãnh đạo Vinalines cũng đưa ra mục tiêu sản xuất kinh doanh những tháng còn lại của năm 2018 như sản lượng vận tải biển đạt 21,5 triệu tấn; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 97,8 triệu tấn; doanh thu đạt 13.638 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 668 tỷ đồng.

Song song đó, Vinalines tiếp tục thực hiện thoái vốn, giảm vốn của Tổng công ty tại các doanh nghiệp thành viên theo kế hoạch đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay còn lại của Công ty mẹ-Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên tại các tổ chức tín dụng; xử lý những tài sản gây thua lỗ nhằm cắt lỗ, tinh gọn tài sản; từng bước thay đổi mô hình quản trị, thực hiện tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp theo mô hình Công ty cổ phần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục