Tái cơ cấu Vinalines: Hải trình “ông lớn” đang đi đúng hướng?

Doanh thu và lợi nhuận năm 2017 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đều có bước tăng trưởng vượt bậc đã cho thấy lộ trình tái cơ cấu “ông lớn” của ngành hàng hải đang đi đúng hướng.
Tái cơ cấu Vinalines: Hải trình “ông lớn” đang đi đúng hướng? ảnh 1Lĩnh vực vận tải biển-cảng biển-logistics vẫn là thế mạnh của Vinalines tập trung khai thác. (Ảnh: TTXVN)

Doanh thu và lợi nhuận năm 2017 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đều có bước tăng trưởng vượt bậc đã cho thấy lộ trình tái cơ cấu “ông lớn” của ngành hàng hải đang đi đúng hướng.

Đặc biệt, Vinalines cũng đã thực hiện tiến trình thoái vốn cũng như xử lý các khoản nợ để “hải trình” cổ phần hóa của đơn vị diễn ra chóng vánh, phấn đấu vào cuối quý 2/2018 hoàn thành chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần.

Cốt lõi ở “kiềng 3 chân”

Theo báo cáo của Vinalines, năm 2017, Công ty mẹ đạt tổng doanh thu là 3.102 tỷ đồng (tăng 12% so với kế hoạch năm 2017), tổng lợi nhuận đạt 345 tỷ đồng (tăng 3,7 lần so với kế hoạch năm 2017).

[Cổ phần hóa Vinalines: Lộ diện tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược]

Có được thành công này, theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Vinalines, công tác phát triển thị trường và hợp tác quốc tế là một trong những hoạt động được tập trung chỉ đạo trong năm 2017 nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục uy tín, niềm tin của các đối tác, khách hàng.

Cụ thể, tại thị trường trong nước, Vinalines triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký với các đối tác để cung cấp dịch vụ vận chuyển các mặt hàng than, thép, quặng, clinker, đạm...trên cơ sở kết nối cốt lõi “kiềng 3 chân” đó là vận tải biển-cảng biển-logistics chào các gói dịch vụ chuỗi logistics đến các Tập đoàn, Tổng công ty lớn như Than khoáng sản, Dầu khí, Thép Hòa Phát, Vissai Ninh Bình...

Ngoài ra, Tổng công ty hợp nhất các doanh nghiệp thành viên để chính thức mở tuyến vận tải nội địa kết hợp container với lịch tàu cố định hàng tuần dưới thương hiệu chung Vinalines; cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng sà lan tuyến Hải Phòng-Việt Trì và các vùng lân cận vận chuyển đi khu vực miền Trung, Nam, Đồng bằng Sông Cửu Long và ngược lại...

Đối với thị trường quốc tế, Vinalines tập trung vào thị trường Myanmar thông qua hợp tác với Công ty Đông Á về dịch vụ vận tải và logistics cho nguyên nhiên vật liệu máy móc thiết bị, thị trường Viễn Đông Nga về vận tải than, thị trường Campuchia về hợp tác phát triển cảng và phân phối hàng hóa của Tập đoàn Năm Sao.

Nhấn mạnh vận tải biển-cảng biển-logistics là hoạt động cốt lõi, theo ông Trung, Vinalines đã xây dựng phương án tái cấu trúc các doanh nghiệp khối cảng biển (mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, quy trình kinh doanh), tái cấu trúc các cảng liên doanh về tài chính, chuyển đổi công năng; tái cấu trúc các doanh nghiệp dịch vụ logistics về phạm vi, thị trường hoạt động và tăng cường kết nối các dịch vụ trong chuỗi cung ứng trọn gói; khảo sát và đầu tư thêm các cảng cạn (ICD)...

Về vận tải biển, Vinalines đã thực hiện bán thanh lý 6 tàu với trọng tải khoảng 125.000 tấn. Như vậy, tính đến hết năm 2017, đội tàu của Tổng công ty có 91 tàu với tổng trọng tải khoảng hơn 1,8 triệu tấn...

[Vinalines đề xuất giảm tỷ lệ vốn nắm giữ ở cảng biển chiến lược]

Với các cảng biển chiến lược, 3 cảng biển trọng yếu (Hải Phòng, Đà Nẵng và Sài Gòn) sẽ là những trụ cột kinh doanh quan trọng mà Vinalines cần nắm giữ 65% vốn điều lệ. Các công ty cảng còn lại sẽ được Vinalines duy trì tỷ lệ nắm giữ ở mức cao gồm Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương (nắm 49% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh (nắm 51% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ (nắm 51% vốn điều lệ).

Giảm nợ và thoái vốn

Tính đến hết năm 2017, Tổng công ty đã thực hiện thoái 39 doanh nghiệp (trong đó, thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối được 31 doanh nghiệp, đặc biệt đã thoái toàn bộ vốn đầu tư tại hầu hết các doanh nghiệp ngoài ngành) thu về khoảng 2.428 tỷ đồng, lãi khoảng 360 tỷ đồng.

Tái cơ cấu Vinalines: Hải trình “ông lớn” đang đi đúng hướng? ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Điểm nhấn trong năm vừa qua đó chính là việc Vinalies đã cơ cấu được các khoản nợ khi “ông lớn” này đã xử lý được khoảng 6.598,2 tỷ đồng bao gồm 1.002,7 tỷ đồng nợ gốc được khoanh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và giảm 5.595,48 tỷ đồng nợ (nợ gốc giảm 3.913,25 tỷ đồng, lãi giảm 1.682,23 tỷ đồng).

“Như vậy, tính chung tổng kết quả xử lý nợ giai đoạn 2014-2017, Công ty mẹ giảm được 10.647 tỷ đồng nợ. Các doanh nghiệp thành viên ước giảm được 2.345,5 tỷ đồng nợ. Dư nợ toàn Tổng công ty tính đến thời điểm 31/12/2017 là 14.743,16 tỷ đồng (nợ gốc 11.375 tỷ đồng, nợ lãi 3.368 tỷ đồng), dư nợ còn lại tại Công ty mẹ bằng 23% so với thời điểm tái cơ cấu,” ông Trung tiết lộ thêm.

Chỉ ra những thách thức và khó khăn sẽ vẫn phải đối mặt trong thời gian tới, ông Trung thừa nhận, Vinalines cũng đang phải cạnh tranh gay gắt đối với sự phát triển nhanh chóng của các đơn vị và doanh nghiệp bên ngoài về vận tải biển-cảng biển-logistics.

[Vinalines tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược ở Singapore chuẩn bị IPO]

Theo đánh giá của Phó Tổng giám đốc Vinalines, thị trường logistics đã bị chiếm lĩnh 80% bởi các doanh nghiệp nước ngoài, 20% thị trường còn lại phân chia cho các doanh nghiệp trong nước và bị cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp đã có thị phần ổn định như Gemadept, Viconship, Vietfracht.

“Nguồn cung kho bãi dư thừa đã tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, đặc biệt là cạnh tranh giá làm giá liên tục giảm, thậm chí phải cung cấp miễn phí để duy trì và lôi kéo khách hàng, làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp,” ông Trung nói.

Hơn nữa, kể từ khi ngành vận tải biển suy thoái đến nay, các chủ tàu tư nhân trong nước tận dụng giá tàu thấp, chi phí vốn rẻ để đầu tư các nhóm tàu phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước đã gia tăng năng lực cạnh tranh và dần chiếm lĩnh thị trường trên các phân khúc tàu.

Trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tham gia những tuyến vận tải tại khu vực châu Á, hạn chế trong những tuyến biển xa. Các chủ tàu đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... vẫn được đánh giá là lớn mạnh nhất tại khu vực cả về quy mô đội tàu, hiệu suất khai thác và đảm nhận phần lớn hàng hóa chuyên chở khu vực nội Á cả về hàng khô, hàng dầu và container.

Đề cập đến phương án cổ phần hóa Vinalines, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, Bộ Giao thông Vận tải mới có báo cáo và chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Nếu phương án cổ phần hóa được Chính phủ thông qua, dự kiến đến cuối tháng 6/2018, Tổng công ty sẽ chính thức chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần. Điểm khó khăn nhất hiện chưa có nhà đầu tư chiến lược nào được đăng ký mặc dù đã đàm phán với Rent A Port (Bỉ), Deep C và một số đối tác khác,” ông Tĩnh cho biết.

Giải thích thêm, ông Tĩnh bày tỏ sự lo ngại của các nhà đầu tư đó là tỷ lệ sở hữu khoảng 30% vốn điều lệ là quá thấp nên sẽ khó thu hút. Vì vậy, Nhà nước cần tính toán xem xét giảm bớt tỷ lệ vốn chủ sở hữu từ 65% xuống 51% thì mới có nhà đầu tư “chen chân” vào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục