Vinalines đề xuất giảm tỷ lệ vốn nắm giữ ở cảng biển chiến lược

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ giảm bớt tỷ lệ nắm giữ vốn ở nhiều cảng biển chiến lược nhưng vẫn đảm bảo quyền chi phối ở một số cảng biển trọng điểm.
Vinalines đề xuất giảm tỷ lệ vốn nắm giữ ở cảng biển chiến lược ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Nhìn nhận ngành kinh doanh cảng biển được đánh giá là rất tiềm năng do sự tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ giảm bớt tỷ lệ nắm giữ vốn ở nhiều cảng biển chiến lược nhưng vẫn đảm bảo quyền chi phối.

Theo đó, Vinalines đề xuất tỷ lệ nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp cảng biển Hải Phòng (từ 92,56% xuống còn 65%), cảng Cam Ranh (từ 80,9% xuống 51%), cảng Đà Nẵng (75% xuống 65%), cảng Cần Thơ (từ 99,05% giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 51%).

[Vinalines chốt giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa]

Các cảng biển khác Vinalines vẫn bảo toàn giữ nguyên vốn điều lệ như cảng Khuyến Lương chiếm 49%, cảng Sài Gòn là 65,45%, cảng Nghệ Tĩnh là 51%, Cảng Năm Căn nắm giữ 49,35%.

Theo báo cáo của Vinalines, sau khi hoàn thành công tác cổ phần hóa đối với 11 doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng, Tổng công ty tiếp tục thực hiện thoái vốn, chuyển giao doanh nghiệp. Hiện, Vinalines chỉ còn nắm giữ vốn tại 8 doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng.

“Các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng của Vinalines khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đã dần thay đổi mô hình quản trị, linh hoạt hơn trong đầu tư phát triển cũng như quản lý điều hành doanh nghiệp, kiểm soát chi phí tốt hơn dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh cao, đặc biệt tăng trưởng các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và đảm bảo việc làm cho người lao động,” lãnh đạo Vinalines cho biết.

Bên cạnh đó, Vinalines được Chính phủ giao thực hiện các nhiệm vụ chiến lược biển, tập trung kinh doanh trong 3 lĩnh vực chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải. Việc phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển, đội tàu biển và cơ sở hạ tầng logistics nhằm tạo chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói để nâng cao lợi thế cạnh tranh mang tính quyết định trong chiến lược phát triển tổng thể Vinalines.

Cho rằng hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển là hoạt động có nhiều lợi thế cạnh tranh để phát triển bền vững, là cơ sở để từ đó hình thành những trung tâm thương mại hàng hải lớn, lãnh đạo Vinalines nhấn mạnh, hầu hết các cảng biển được Vinalines thay mặt Nhà nước nắm giữ đều nằm ở những vị trí và có tầm quan trọng mang tính chiến lược đối với lĩnh vực an ninh, quốc phòng nên rất cần sự điều phối và quản lý trực tiếp của Nhà nước.

“Việc duy trì, củng cố và phát triển hệ thống cảng biển của Vinalines là một trong những hoạt động cần thiết để Vinalines hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xứng đáng với vai trò là doanh nghiệp chủ đạo của Nhà nước trong lĩnh vực hàng hải,” lãnh đạo Vinalines nói.

[Vinalines tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược ở Singapore chuẩn bị IPO]

Tuy nhiên, do mới chuyển giao bộ máy từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty cổ phần và hoàn thiện bộ máy tổ chức và tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn ở mức cao nên mặc dù phương thức quản trị đã có sự thay đổi tích cực nhưng phía Vinalines đáng giá vẫn chưa mang tính đột phá, chưa ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong quản trị, điều hành khai thác.

Cụ thể, đối với các cảng khu vực phía Bắc, cảng Hải Phòng phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh về giá cước diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Tại các cảng khu vực miền Trung, thị trường hàng hóa khu vực miền Trung chưa phát triển mạnh do ít các khu kinh tế, khu công nghiệp và lưu thông hàng hóa còn hạn chế làm cho sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng khu vực này chưa nhiều và chưa đa dạng về chủng loại.

Với các cảng khu vực phía Nam, hiện nay xảy ra tình trạng phát triển mất cân đối khi khu vực nội đô luôn trong tình trạng quá tải còn khu vực Cái Mép-Thị Vải lại gặp khó khăn về thị trường.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục