Vinatex dự kiến doanh thu nội địa tăng 15% dù thị trường khó khăn

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm nay tình hình thị trường chung khó khăn, nhưng doanh thu may mặc nội địa của toàn ngành dự kiến tăng khoảng 15% so với năm ngoái.
Vinatex dự kiến doanh thu nội địa tăng 15% dù thị trường khó khăn ảnh 1Họp báo Hội chợ thời trang Việt Nam 2014 (Ảnh: Đức Duy/Viethnam+)

Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm nay tình hình thị trường chung khó khăn, nhưng doanh thu may mặc nội địa của toàn ngành dự kiến tăng khoảng 15% so với năm ngoái.

Tại buổi Họp báo về "Hội chợ thời trang Việt Nam 2014" do Vinatex phối hợp với Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam tổ chức chiều 16/12, tại Hà Nội, ông Dũng cho biết, tổng lượng tiêu thụ hàng dệt may trong nước năm nay đạt khoảng 3 tỷ USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng) trong đó doanh thu tại thị trường nội địa của các công ty con, công ty thành viên của Vinatex dự kiến đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, chiếm hơn 30% nhu cầu hàng may mặc của toàn thị trường.

Cũng theo lãnh đạo Vinatex, Hội chợ Thời trang Việt Nam là cơ hội để ngành dệt may gia tăng sự hiện diện tại thị trường nội địa cũng như đẩy mạnh xuất khẩu.

Thông qua hội chợ, nhằm giới thiệu những bước phát triển mới nhất của ngành thời trang Việt Nam trong những năm qua đồng thời tạo cơ hội giao lưu giữa những đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu, nhà thiết kế tiếp cận với các doanh nghiệp sản xuất dệt may và các sản phẩm thời trang khác nhau.

Vinatex dự kiến doanh thu nội địa tăng 15% dù thị trường khó khăn ảnh 2Tỷ lệ nội địa hóa cũng là một trong những yếu tố giúp nâng cao giá trị giá tăng của mặt hàng dệt may Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

"Tại hội chợ thời trang Việt Nam, các gương mặt thiết kế trẻ sẽ có cơ hội đóng góp nhiều hơn những ý tưởng về thời trang qua đó có thể nâng cao tay nghề cũng như gia tăng sự kết nối với người tiêu dùng," ông Hoàng Vệ Dũng nhấn mạnh.

Theo tính toán của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), xuất khẩu dệt may năm 2014 của Việt Nam có khả năng cán mốc 24,5 tỷ USD, tăng trên 19% so với năm 2013.

Cùng với sự gia tăng về xuất khẩu thì tỷ lệ nội địa hóa cũng là một trong những yếu tố giúp nâng cao giá trị giá tăng của mặt hàng dệt may Việt Nam. Ước tính của Vitas thì sau mười năm (từ năm 2003 đến nay), tỷ lệ nội địa hóa đã tăng từ mức 20% lên trên 50% bao gồm giá trị nguyên phụ liệu ở trong nước và năng lực thiết kế, sản xuất...

Như vậy, với kim ngạch xuất khẩu cả năm 2014 ước đạt 24,5 tỷ USD thì giá trị thặng dư thương mại nhờ tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 12 tỷ USD./.

Hội chợ Thời trang Việt Nam do Tập đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hội chợ triển lãm Giảng Võ tổ chức từ ngày 19-25/12 tại 148 Giảng Võ, Hà Nội.

Hội chợ thu hút 150 doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực Dệt may, da giày, mỹ phẩm...tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục