Vĩnh Phúc sẽ đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng 13 tượng đài

Giai đoạn 2014- 2020, tầm nhìn đến năm 2030 Vĩnh Phúc quy hoạch xây dựng 13 tượng đài với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một từ nay đến năm 2020 đầu tư 110 tỷ đồng.

Ngày 20/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5/2014 thảo luận về nội dung Quy hoạch tượng đài Vĩnh Phúc giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn 2030.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh còn bàn về thực hiện Đề án hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn từ Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ để đầu tư đổi mới công nghệ; "Đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục Vĩnh Phúc"...

Giai đoạn 2014- 2020, tầm nhìn đến năm 2030 Vĩnh Phúc quy hoạch xây dựng 13 tượng đài với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng; trong đó giai đoạn một từ nay đến năm 2020 đầu tư 110 tỷ đồng.

Các tượng đài điển hình là: Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, Cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, Anh hùng dân tộc tướng quốc Trần Nguyên Hãn, liệt sỹ Nguyễn Thái Học, Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân...

Đây đều là những công trình nghệ thuật điêu khắc mang tính vĩnh cửu, có giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện lại bản quy hoạch; trong đó, xác định rõ phạm vi quy hoạch; nghiên cứu kỹ về lịch sử, thực trạng, từ đó, đề xuất vị trí, địa điểm, mức đầu tư xây dựng cho các tượng đài, phù điêu, biểu trưng, đảm bảo về ý nghĩa, tính thẩm mỹ.

Theo các đại biểu, trước khi lập quy hoạch, cần phải nghiên cứu kỹ về lịch sử, sự phát triển của tỉnh và lấy ý kiến rộng rãi quần chúng nhân dân, tìm vị trí đặt các tượng đài hợp lý nhất.

Đa số ý kiến đề nghị đặt trong khuôn viên của công viên, quảng trường, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và nhân dân, du khách tham quan.

Đại diện Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho biết: Hiện nay trung bình mỗi tỉnh, thành trong nước có 6 tượng đài, Vĩnh Phúc có hơn 10 tượng đài nhưng tầm vóc nhỏ bé, nhiều tượng đài kinh phí xây dựng do người dân đóng góp nên tượng được đầu tư xây dựng đơn giản và đặt tại trường học, ở nơi có diện tích, không gian nhỏ hẹp.

Phiên họp còn đề cập về Đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục Vĩnh Phúc và Đề án hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn từ Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất.

Các đại biểu đều đồng tình về sự cần thiết phải tăng nguồn vốn cho Quỹ, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, nhiều ý kiến cần phải có cơ chế cho vay phù hợp, xác định rõ đối tượng vay và tăng cường quản lý nguồn quỹ bằng cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ.

Vĩnh Phúc hiện có 53 cơ sở dạy nghề và trường có tổ chức thêm hoạt động dạy nghề. Ngành lao động-thương binh và xã hội tỉnh rà soát và kiểm tra thì chỉ có 36 cơ sở đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề và trong 36 cở sở đủ điều kiện chỉ có 23 cơ sở tuyển sinh và tổ chức đào tạo, số còn lại không tổ chức hoạt động vì nhiều nguyên nhân, công tác đào tạo nghề nói chung yếu kém toàn diện.

Công tác đào tạo nghề của nhiều cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang chứa đựng hàng loạt những tồn tại, bất cập, mâu thuẫn và đòi hỏi ngành chức năng, chính quyền tỉnh nhanh chóng giải quyết.

Vĩnh Phúc đang xem xét tổng thể và toàn diện, theo đó sẽ kiên quyết bố trí để hướng tới sự hợp lý, dần dần khắc phục triệt để những bất cập các vấn đề trong đào tạo, dạy nghề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục