Võ Nguyên Giáp: Quê hương nghĩa nặng, tình sâu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ gắn bó với làng quê An Xá mà cả đất Quảng Bình đã in sâu trong tâm trí qua câu chuyện mẹ kể.
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Vị tướng huyền thoại của Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Vietnam+ xin giới thiệu loạt bài viết của tác giả Trần Huyền Thương về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Kỳ II: Võ Nguyên Giáp: Quê hương nghĩa nặng, tình sâu

Sinh ra trên mảnh đất Quảng Bình kiên trung bất khuất, tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng gắn bó với làng quê An Xá bên dòng Kiến Giang hiền hòa và xinh đẹp. Con đường làng chạy men sông rợp bóng cây xanh là niềm đam mê của cậu bé và lũ trẻ làng.

Trên dòng Kiến Giang ngày ngày những chiếc đò dọc ngược xuôi như những cánh bướm. Trên bến dưới thuyền đổ san sát đó đây. Nock (thuyền) là phương tiện duy nhất thời bầy giờ. Mẹ và các chị cậu Giáp muốn lên chợ huyện hoặc ngược thượng nguồn, đi tảo mộ ngày xuân phải theo đò dọc qua các làng Tuy Lộc, Đại Phong, Thượng Phong, Quy Hậu...

Làng An Xá của cậu giáp, những ngày nông nhàn, có nghề thủ công truyền thống dệt chiếu cói nổi tiếng khắp vùng, dân gian đã có câu ca: “Chiếu cói An Xá, nón lá Quy Hậu.”

Cũng như bao làng quê khác, An Xá là vùng miệt vườn, bốn mùa với cam, quít, mít, ổi…. Thấp thoáng trong những vườn cây ăn quả ấy là những ngôi nhà tranh vách đất, đầy ắp tiếng cười của con trẻ. Nhà cậu Giáp cũng đầy quả ngọt, hoa thơm : nào cam, bưởi…. đặc biệt là cây mít cổ thụ, đào tiên và hai cây khế ngọt. Ngày ngày cậu cùng lũ trẻ làng trèo cây hái quả. Còn cây bồ kết mẹ vẫn hái phơi khôn cất dùng gội đầu, tóc bóng suôn mượt. Và mùa nào thức ấy, mẹ hái quả trong vườn đem bán ở chợ Thùi, chợ Tréo…

Thuở ấu thơ, vườn nhà, vườn hàng xóm chính là chốn thiên đường của các thú chơi trốn tìm, bắt tổ chim, trèo cây lấy quả, dàn trận đánh giặc giả của cậu bé Giáp cùng lũ trẻ học chữ Nho với cậu. Và có lần cậu đã bị ông cụ mắng, thậm chí còn bị đòn roi phải chui xuống gầm bàn thơ xin tha tội.

Giống như bao nhà khác trong làng, nhà cậu Giáp là ngôi nhà tranh, vách đất ba gian hai chái, có nhà ngang làm bếp. Gian giữa đặt bàn thờ ông bà, tổ tiên, kê bộ phản gỗ và bộ tràng kỷ bằng tre ngâm. Gian trái đặt giường ông cụ. Gian phải lê một chiếc rương to của bà cụ. Gian trái bên trái, nơi trẻ học và là nơi ông cụ ngồi đọc sách có treo câu đối chữ Hán.

Trước nhà là cươi (sân) rộng để phơi ló (thóc) ngày mùa. Nhưng đến mùa xuân xe đất ruộng về đánh tơi, rải lên sân một lớp mỏng trồng cải. Trước sân là chiếc bình phong xây gạch. Sát bình phong là một bể cạn có hòn non bộ với cây si tua tủa rễ và bồn hoa cây cảnh: nào cúc vạn thọ, bông trang (hoa mẫu đơn), hoa huệ... tự tay ông Nghiêm chăm bón.

Ở cái tuổi mòn đít học chữ Nho, cậu Giáp không chỉ gắn bó với làng quê An Xá của mình mà cả miền đất Quảng Bình gian nan, khói lửa đã in sâu trong tâm trí cậu qua những câu chuyện đêm đêm mẹ kể, thầy dạy.

Quảng Bình vùng đất “nắng lửa mưa dầu” như nhà thơ Tố Hữu từng viết “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình.” Quảng Bình còn là vùng đất hẹp nhất nước “thắt đáy lưng ong,” một bên là Trường Sơn núi cao vực thẳm, có Hoành Sơn ăn ra tận biển và một bên là cồn cát trắng dọc bờ biển, bọc lấy sáu huyện nghèo.

Quảng Bình mảnh đất còn chịu đau thương trong cuộc tranh giành quyền bính giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn, kéo dài từ năm 1627 đến 1672. Trong gần nửa thế kỷ hai bên đánh nhau bảy lần với những chiến dịch kéo dài hàng năm trời, cả vùng Bố Chính (Hà Tĩnh-Quảng Bình) là chiến trường nóng bỏng của cuộc Nội chiến “nồi da sáo thịt.” Những cụôc chiến bất phân thắng bại.

Hai bên đã lấy sông Gianh giới tuyến. Phía Bắc gọi là xứ Đàng Ngoài, phía Nam gọi là xứ Đàng Trong, do họ Nguyễn thống trị được sự giúp đỡ của Quan Nội tán Đào Duy Từ (1572-1634) bày mưu hiến kế xây thành. Năm Canh Ngọ 1630, Đào Duy Từ đề xuất và là người trực tiếp đôn đốc đắp luỹ Trường Dục huyện Phong Lộc (nay là huyện Quảng Ninh).

Từ năm 1631, ông cho đắp thêm một luỹ nữa từ cửa biển Nhật Lệ đến mũi Đầu Mâu (thành phố Đồng Hới ngày nay) dài trên 200 trượng, tục gọi là luỹ thầy, vì thế dân gian có câu:

“Lũy thầy ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới, ai đào mà sâu”


Câu ca lắng đọng nỗi đắng cay của hai thế kỷ đất nước bị phân tranh.

Quảng Bình nghèo, nhưng là miền đất tráng lệ, mộng mơ đã từng in dấu chân của bao danh nhân đất nước. Vừa đến Đèo Ngang, ngẩn ngơ trước vẻ đẹp như “tranh họa đồ” Bà Huyện Thanh Quan đã thốt lên:

"Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà"


Nhưng rồi chợt nhớ đến nỗi đau đất nước chia cắt, bà đã thở than:

"Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân dứng lại trời non nước
Một mảnh riêng ta với ta"


Cùng nỗi buồn đất nước bị phân ly, đại thi hào Nguyễn Du, khi qua cửa biển Nhật Lệ, trời nước mênh mang mà lòng cứ nao nao:

"Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa"


Bước vào thời hiện đại, đất nước chìm đắm trong bóng đêm nô nệ, hưởng ứng chiếu của Vua Hàm Nghi, nhân dân Quảng Bình tích cực ủng hộ nghĩa quân Cần Vương do Hoàng Giáp Phạm Duy Đôn và Đề đốc Tiến sĩ Lê Trực chỉ huy đánh Pháp (1885-1888).

Trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp, nhiều tên đất, tên người đã tô thắm thêm truyền thống đấu tranh bất khuất của Quảng Bình: Với Xuân Bồ gắn liền với tên tuổi người anh hùng Lâm Úy, chiến sĩ của Trung đoàn 18 lẫy lừng. Và đây Cự Nẫm, Cảnh Dương làng chiến đấu ngoan cường của một thời oanh liệt. Trong những năm sau hoà bình lập lại ở miền Bắc, nơi diễn ra phong trào “Gió Đại Phong” đi tiên phong trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây có động Phong Nha, đường 20, điểm xuất phát của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại và dòng sông Nhật Lệ với bà mẹ Suốt anh hùng, dưới mưa bom đạn lửa của giặc Mỹ vẫn hiên ngang chèo đò đưa bộ đội qua sông hành quân diệt địch…

Phải chăng hình ảnh quê hương, làng xóm, gia đình, bạn bè một thuở đã in sâu vào tâm trí của cậu bé Giáp và theo cậu đi suốt cuộc đời đến hôm nay, một Đại tướng huyền thoại, mãi mãi trong con tim mọi người./.

Kỳ I: Võ Nguyên Giáp - Vị tướng giỏi ra đời vào mùa lũ
Kỳ II: Võ Nguyên Giáp: Quê hương nghĩa nặng, tình sâu
Kỳ III: Võ Nguyên Giáp: Thuở học trò của vị Đại tướng
Kỳ IV: Võ Nguyên Giáp: Lao tù là trường học cách mạng
Kỳ V: Võ Nguyên Giáp - Thầy giáo trường Thăng Long
Kỳ VI: Chỉ huy trưởng VN Tuyên truyền Giải phóng quân
Kỳ VII: Người Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam
Kỳ VIII: Vị Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử
Kỳ IX: Võ Nguyên Giáp trên con đường mòn Hồ Chí Minh
Kỳ X: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một tấm gương trong

Trần Huyền Thương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục