Quê nghèo náo loạn

Vỡ nợ hàng chục tỷ đồng, quê nghèo náo loạn

Nửa tháng nay, người dân xã Bình Thuận, Đắk Lắk náo loạn vì hàng chục tỷ đồng và gần 200 tấn càphê của họ đã "không cánh mà bay."
Gần nửa tháng nay, vùng quê nghèo ở xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk trở nên náo loạn, khi hàng trăm hộ dân ở đây phải bỏ cả công việc thường nhật để kéo nhau đi đòi nợ trong vô vọng về món nợ hàng chục tỷ đồng và gần 200 tấn càphê.

Theo phản ánh của người dân, đại lý thu mua nông sản Tám Loan (do vợ chồng ông Dương Tám và bà Phạm Thị Loan làm chủ) lâu nay vốn là một địa chỉ tin cậy, uy tín để người dân ở xã Bình Thuận đến ký gửi càphê, nông sản, gửi tiền với lãi suất 2,3-2,5%/tháng và thực hiện các giao dịch khác. Tuy nhiên, gần nửa tháng nay một số hộ dân đến kỳ hạn lấy lại tiền cho vay khi đến đây thì chỉ nhận được lời hứa suông, kèm những cái hẹn “trời ơi”.

Thông tin này loang ra, hàng trăm hộ cho vay tiền và ký gửi càphê tại tại đây kéo đến đòi nợ, nhưng không một ai trong số này đời được nợ. Đến lúc này, chủ đại lý tuyên bố do không đòi được tiền nợ từ người chị ruột của vợ là bà Phạm Thị Lang (tên thường gọi là Lan) nên bị vỡ nợ, hiện đang nhờ các cơ quan pháp luật can thiệp đòi nợ thì mới có tiền trả.

Ông Trương Văn Phấn, trưởng thôn 7 Bình Minh cho biết riêng thôn của ông có khoảng 30 gia đình đem 58 tấn càphê ký gửi và 1,7 tỷ cho đại lý Tám Loan vay. Hộ ít thì vài chục triệu đồng, nhiều hộ đem tiền tỷ cho vay, ký gửi hàng chục tấn càphê. Bản thân ông Phấn cũng ký gửi ở đây 4,8 tấn càphê vừa thu hoạch xong. Các hộ này hàng ngày phải bỏ bê công việc cuối năm, tụ tập tại đại lý Tám Loan dể đồi nợ, nhưng tất cả đều vô vọng.

Nhiều người đem khoản tiền dành dụm gần cả đời người để cho vay, nay trở nên trắng tay. Bà Nguyễn Thị Cúc (75 tuổi) đem khoản tiền 24 triệu đồng ky cóp được cho vay để lấy lãi, hiện hàng ngày phải lọ mọ sang ngồi chầu chực ở sân đại lý Tám Loan.

Ngay cả những người họ hàng ruột thịt cũng trở thành nạn nhân. Bà Dương Thị Ngà (chị ruột của ông Dương Tám), chủ đại lý vật liệu xây dựng Hạnh Ngà ở Thôn 2 Bình Minh đem 2 căn nhà, 3 chiếc ôtô thế chấp ngân hàng vay được 1,5 tỷ đồng.

Bà Ngà trích 1,2 tỷ dồng đem cho em trai mượn lấy lãi giờ có nguy cơ tán gia bại sản. “Xù nợ kiểu này thì chết cả làng,” bà Ngà ngao ngán phát biểu với chúng tôi.

Ông Dương Tám và bà Phạm Thị Loan - chủ đại lý Tam Loan - cho chúng tôi biết đại lý kinh doanh theo kiểu, nhận càphê ký gửi vay tiền của người dân sau đó đem toàn bộ những khoản này lên cho bà Phạm Thị Lang (Lan) là chị gái của bà Loan vay để lấy hoa hồng. Ngày 15/1, đến hạn trả nợ cho khác hàng thì bà Lan cho biết là chưa đòi được nợ. Ông Tám xác nhận đã đưa 190 tấn càphê và hơn 18 tỷ đồng cho bà Lan vay, trong đó số càphê của dân ký gửi là hơn 161 tấn và 12 tỷ đồng.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó trưởng Công an xã Bình Thuận cho biết: xã dã nhận được hàng chục đơn kêu cứu của người dân, nhưng vụ việc vượt quá tầm giải quyết của địa phương. Hiện tại công an xã thường xuyên cử người đến dại lý Tám Loan để bảo vệ an ninh trật tự và đã báo cáo vụ viếc lên Công an thị xã Buôn Hồ./.

Việt Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục