Do cơ sở 185 Hai Bà Trưng xuống cấp, năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương (do Dương Thị Bạch Diệp làm Giám đốc) để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở.
Bị cáo Diệp đề xuất hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, đang thế chấp ở ngân hàng) để lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng với Trung tâm Ca nhạc nhẹ.
[Tạm dừng xử vụ nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài]
Tuy nhiên, sau khi được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp không đưa tài sản này vào ngân hàng để rút giấy chứng nhận nhà đất số 57 Cao Thắng ra để bàn giao, sang tên cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ như cam kết.
Thay vào đó, bị cáo Diệp tiếp tục dùng nhà đất 185 Hai Bà Trưng thế chấp vay tiền tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), đến nay không có khả năng trả nợ, khiến Nhà nước mất tài sản là nhà đất số 185 Hai Bà Trưng (được định giá là hơn 186 tỷ đồng).
Tại phiên tòa sáng 22/3, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương mức hình phạt là tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thiếu trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất, chấp thuận việc hoán đổi tài sản trái quy định của pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt tài sản Nhà nước.
Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Thanh Nhàn, Vy Nhật Tảo từ 5 đến 6 năm tù; Nguyễn Thành Rum, Đào Anh Kiệt từ 4-5 năm tù; Lê Văn Thanh, Huỳnh Kim Phát từ 3-4 năm tù; Trần Nam Trang, Lê Tôn Thanh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Tranh luận về tài sản 57 Cao Thắng
Tại tòa, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp không thừa nhận hành vi phạm tội mà cho rằng bản thân bị Ngân hàng Agribank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh lừa, tài sản 57 Cao Thắng không phải là tài sản đảm bảo cho bất kỳ hợp đồng tín dụng nào với ngân hàng, bị cáo không ký nhận nợ 8.700 lượng vàng; nhiều hồ sơ giấy tờ trong vụ án bị làm giả; Kiểm sát viên, Điều tra viên làm việc không khách quan...
Đối đáp lại quan điểm này, trước hết đại diện Viện Kiểm sát cảm ơn một số luật sư trong phần bào chữa đã xác nhận việc Kiểm sát viên, Điều tra viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều này góp phần giúp dư luận có cái nhìn khách quan về các cơ quan tiến hành tố tụng, về người tiến hành tố tụng, nhất là trong vụ án này.
Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định lời bào chữa của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp là không có căn cứ, vì trên những tài liệu như Hợp đồng tín dụng số 2616 kèm chứng từ giải ngân, Biên bản họp Hội đồng thành viên của Công ty Diệp Bạch Dương về đề nghị vay vốn, Hợp đồng thế chấp tài sản số 1538 ngày 31/12/2008 (có công chứng tại Phòng Công chứng số 1), Giấy nhận nợ số 1700-LDS-200806945 ngày 31/12/2008... đều có chữ ký của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.
Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cũng xác định chữ ký trên các tài liệu là chữ ký của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.
Các văn bản đều có trong hồ sơ vụ án, phù hợp với kết quả điều tra cũng như kết quả thẩm vấn công khai tại tòa. Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định tính xác thực của các tài liệu là chứng cứ vật chất trong vụ án và không bị làm giả như cáo buộc của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp Giấy chứng nhận số CT05095 đối với tài sản 57 Cao Thắng cho Công ty Diệp Bạch Dương, trong đó tại mục “những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận” có ghi nội dung: “Thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh theo hồ sơ số 013355 đã đăng ký tại Trung tâm thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất (nay là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất) ngày 31/12/2008, chưa xóa thế chấp.”
Từ những phân tích trên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định tài sản 57 Cao Thắng là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty Diệp Bạch Dương tại Agribank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31/12/2008 đến nay, chưa được giải chấp.
Nhà nước mất hoàn toàn quyền sở hữu tài sản 185 Hai Bà Trưng
Đó là khẳng định của đại diện Viện Kiểm sát trong quá trình luận tội cũng như đối đáp lại quan điểm của luật sư.
Trong vụ án này, các luật sư và bị cáo Dương Thị Bạch Diệp không thể phủ nhận, quyền sở hữu cả hai tài sản trong vụ án là nhà đất 57 Cao Thắng và nhà đất 185 Hai Bà Trưng đều đang nằm trong ngân hàng để bảo đảm cho các khoản vay của Công ty Diệp Bạch Dương.
“Tài sản công đã biến thành tài sản tư,” Nhà nước đã mất hoàn toàn quyền sở hữu tài sản 185 Hai Bà Trưng, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh.
Theo cáo trạng, nhà đất số 185 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước được giao Trung tâm Ca nhạc nhẹ (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Sở Văn hóa và Thể thao) quản lý và làm trụ sở.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thiếu trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất, chấp thuận việc hoán đổi tài sản trái quy định của pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt tài sản Nhà nước.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dù không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản Nhà nước, không là thành viên trong Ban Chỉ đạo 09 thành phố nhưng lại ủng hộ khi nghe các bị cáo Vy Nhật Tảo và Dương Thị Bạch Diệp trình bày phương án hoán đổi tài sản mang lại lợi ích cho thành phố, sau đó xin ý kiến chỉ đạo và được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố giao nhiệm vụ thực hiện.
Ngày 5/3/2010, bị cáo Nguyễn Thành Tài ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng và tài sản 57 Cao Thắng.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài đã không sát sao trong việc chỉ đạo kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý nhà đất 57 Cao Thắng, không phát hiện nhà đất này bị thế chấp dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước.
Về tài sản là nhà đất số 185 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên thu hồi, trả lại cho Trung tâm ca nhạc nhẹ Thành phố quản lý. Những tranh chấp liên quan nếu có đề nghị dành quyền khởi kiện dân sự cho các bên.
Kết thúc phiên xử sáng 25/3, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa để đánh giá lại các chứng cứ. Đây là lần thứ hai phiên toà bị tạm dừng.
Trước đó, vào ngày 17/3, phiên tòa cũng phải tạm dừng đến ngày 22/3 mới tiếp tục để bị cáo Dương Thị Bạch Diệp ổn định tinh thần và sức khỏe để tham gia phiên tòa./.