Vụ mở đường để phá rừng giáp ranh: Quy mô thực tế lớn hơn báo cáo

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên thừa nhận có thiếu sót trong việc kiểm đếm, thống kê cây rừng bị chặt phá tại tiểu khu 358.
Vụ mở đường để phá rừng giáp ranh: Quy mô thực tế lớn hơn báo cáo ảnh 1Gỗ do lâm tặc bỏ lại trong rừng khi bị Kiểm lâm phát hiện. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Từ tháng 5/2020, phóng viên TTXVN đã tiếp cận hiện trường, liên tục phản ánh việc nhiều đối tượng mở đường để phá rừng giáp ranh tại huyện Tây Hòa và Sông Hinh của tỉnh Phú Yên.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên đã vào cuộc điều tra. Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng có hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản."

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra mở rộng, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh đã phát hiện quy mô phá rừng ở thực tế lớn hơn nhiều so với báo cáo của một số đơn vị chức năng trước đó.

Báo cáo số 232/BC-SNN ngày 11/5/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên về tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật tại vùng giáp ranh giữa huyện Tây Hòa và Sông Hinh cho biết tại khoảnh 7, khoảnh 10 tiểu khu 358 có 690m đường sang gạt; 32 cây gỗ dọc theo đường bị cắt hạ.

Khi mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Phú Yên phát hiện thêm cách vị trí phá rừng tại khoảnh 7 và khoảnh 10, tiểu khu 358 khoảng 40m có dấu vết của vụ phá rừng khác, cùng thời điểm với vụ phá rừng trước đó.

Để "mục sở thị" tình trạng phá rừng, ngày 8/9, lần thứ 2, phóng viên TTXVN cùng các đồng nghiệp tiếp tục tìm đến khoảnh 7 và khoảnh 10 tiểu khu 358. Tại đây, phóng viên chứng kiến cách hiện trường vụ phá rừng cũ tiểu khu 358 khoảng 40m, lâm tặc còn mở một con đường rộng 3m dài khoảng 1km để vào rừng.

Dọc hai bên đường, lâm tặc chọn những cây to có đường kính lớn để đốn hạ. Nhiều cây gỗ lớn còn nằm la liệt. Nhiều cây cao lớn, có đường kính bằng cả người ôm, bị lâm tặc bỏ lại tại hiện trường. Một số cây gỗ đã được lực lượng chức năng kiểm đếm, đánh dấu bằng sơn đỏ.

[Vụ phá rừng tại Phú Yên: Kiểm tra thực tế, làm rõ trách nhiệm cán bộ]

Lâm tặc ngang nhiên mở đường vào phá rừng trong thời gian dài. Vị trí hai vụ phá rừng chỉ cách nhau 40m nhưng khi thống kê, kiểm đếm, chính quyền địa phương lại "bỏ sót."

Trao đổi với phóng viên, đại diện chủ rừng, ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa thừa nhận có thiếu sót trong việc kiểm đếm, thống kê cây rừng bị chặt phá tại tiểu khu 358.

Ông Hải lý giải khi vào rừng làm việc, anh em lần theo dấu vết mới cùng các cơ quan chức năng kiểm tra rà soát, kiểm đếm cây gỗ bị cắt. Mặc dù biết cách vị trí phá rừng có một con đường cũ cách khoảng 40m.

Ở đây, cây cối chằng chịt nên không nghĩ có phá rừng. Sau khi bị bắt, các đối tượng lâm tặc khai nhận, địa phương đã phối hợp với lực lượng công an, kiểm lâm kiểm tra thêm.

Thực tế cho thấy quy mô phá rừng tương đối lớn. Số lượng cây rừng bị cắt theo thống kê được là hơn 200 cây.

Sau khi vụ việc phá rừng giáp ranh giữa huyện Tây Hòa và Sông Hinh xảy ra, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên khẳng định sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và chủ rừng để mở rộng phạm vi tuần tra nhằm phát hiện các vụ phá rừng khác. Tuy nhiên, cách vị trí phá rừng ban đầu chỉ 40m, rừng bị "chảy máu" nhưng lực lượng kiểm lâm không phát hiện được.

Trước câu hỏi của phóng viên có hay không việc bao che làm ngơ cho lâm tặc mở đường để phá rừng, ông Mai Ne, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Tây Hòa cho biết chuyện có né tránh, bao che cho lâm tặc phá rừng hay không, huyện chưa có xem xét cụ thể vì chưa có ai phản ánh việc có sự cấu kết để vi phạm pháp luật. Hiện công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương gặp nhiều khó khăn do diện tích rộng.

Lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra nhưng không phát hiện được. Lực lượng của xã quá mỏng nên việc quản lý rừng đã không được chặt chẽ.

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ, phát hiện thêm một khu vực rừng bị tàn phá gần tiểu khu 358, ông mới biết.

Trước đó, ngày 6/5/2020, phóng viên TTXVN đi thực tế tại, ghi nhận tại vùng giáp ranh giữa huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh hàng loạt cây rừng đã bị lâm tặc đốn hạ, vận chuyển ra ngoài.

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Phú Yên khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” được quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 232-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngày 28/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên cho biết đã khởi tố và bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Hoài Linh, biệt danh Linh Lực Quắn (sinh năm 1979, trú ở thôn Lạc Điền, xã Sơn Thành Đông) và Trần Văn Tấn (biệt danh là Kẹo, sinh năm 1980, trú ở thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” được quy định tại điều 232-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cùng hành vi nêu trên, một đối tượng khác bị tạm giữ khẩn cấp là Trương Thái Vương (sinh năm 1988, trú ở thôn Nam Bình 2, phường Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa).

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục