Vụ sách giáo khoa giả tại Hà Nội: Bộ Công an khởi tố thêm 22 bị can

Kết quả điều tra mở rộng vụ án sách giáo khoa giả, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với 22 đối tượng, cùng về tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả."
Vụ sách giáo khoa giả tại Hà Nội: Bộ Công an khởi tố thêm 22 bị can ảnh 1Một cơ sở in sách giáo khoa, sách tham khảo giả tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN phát)

Liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả, ngày 7/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, cho biết vừa khởi tố thêm 22 bị can.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Môi giới hối lộ và Nhận hối lộ,” xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, Công ty cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 41/QĐ-CSKT-P10 ngày 23/6/2021 và Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 15/QĐ-CSKT-P10 ngày 23/7/2021.

Quá trình điều tra, xác minh vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu là Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát và 11 đối tượng liên quan, về các tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả,” “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” “Môi giới hối lộ” và “Nhận hối lộ.”

Kết quả điều tra mở rộng vụ án, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 6/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với 22 đối tượng, cùng về tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả,” theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam đối với Văn Thị Hiền - chủ Nhà sách Hiền Long; Đỗ Văn Được - chủ Shop Bống & Bin; Phan Thị Thanh Thoan - giáo viên, đều thuộc nhóm đối tượng tiêu thụ sách. Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 19 bị can khác.

Các đối tượng nêu trên đã có hành vi giúp sức cho đối tượng chủ mưu, cầm đầu là Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, chủ Nhà sách Minh Thuận trong việc sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc mua sách giả với số lượng đặc biệt lớn để bán thu lời.

[Vụ SGK giả tại Hà Nội: Khởi tố bổ sung vụ án Môi giới hối lộ]

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện các Lệnh, Quyết định tố tụng đối với 22 bị can theo đúng quy định.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung củng cố tài liệu, chứng cứ để làm rõ toàn bộ nội dung vụ án, hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan để kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can theo quy định của pháp luật.

Trước đó, cơ quan chức năng đã khởi tố ông Trần Hùng (cựu kiểm soát viên chính, cựu Tổ trưởng Tổ 1444 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) về tội "Nhận hối lộ." Bị can Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị xác định là người môi giới hối lộ.

Ba cựu cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Nội gồm Lê Việt Phương (cựu Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, nay là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14), Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (2 cựu kiểm soát viên) bị cáo buộc tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."

Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát), Hoàng Mạnh Chiến (Giám đốc Công ty cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội) cùng 5 bị can khác bị đề nghị truy tố tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo điều tra, Cao Thị Minh Thuận, Hoàng Mạnh Chiến cùng đồng phạm thiết lập dây chuyền thu mua giấy, in ấn sách giáo khoa giả. Nhóm này sử dụng hàng chục địa điểm tại Hà Nội để làm hệ thống văn phòng, nhà xưởng, kho hàng phục vụ việc in ấn, gia công, tập kết và phân phối sách giả đến nhiều địa phương như Sơn La, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...

Ngày 9/7/2020, ông Trần Hùng trực tiếp chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 15 và 17 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội cùng lực lượng chức năng quận Hoàng Mai và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kiểm tra, phát hiện xưởng cất giấu hơn 27.000 sách giáo khoa giả do Công ty Phú Hưng Phát in ấn. 

Theo cơ quan chức năng, quá trình giải quyết vụ việc, Nguyễn Duy Hải đã gặp và tác động để nhờ ông Hùng xử lý nhẹ đối với sai phạm của các cá nhân và doanh nghiệp liên quan. Sau đó, ông Hùng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, không chỉ đạo cấp dưới giải quyết, xử lý theo quy định pháp luật đối với vụ việc liên quan 2 doanh nghiệp in và phân phối sách giả.

Cho đến khi bị bắt, nhóm của Cao Thị Minh Thuận đã tiếp tục sản xuất, in ấn và tiêu thụ sách giả. Ngày 18/6/2021, cơ quan điều tra bắt quả tang Hoàng Mạnh Chiến cùng chiếc xe tải tại một kho hàng ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Mở rộng điều tra, Ban chuyên án tạm giữ trên 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả, 3 máy in, hơn 1,5 triệu tem giả và khoảng 20 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục