Vượt khó đưa kinh tế Thủ đô hội nhập và phát triển mạnh

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã trả lời phỏng vấn về tình hình kinh tế thủ đô năm 2013 và những kế hoạch trong năm 2014.

Với những kết quả đạt được năm 2013, Hà Nội đón năm mới đầy khí thế và niềm tin.

Nhân dịp năm mới 2014, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.


- Thưa ông, nhìn lại năm 2013, Hà Nội có nhiều điều “được-mất.” Vậy theo ông, năm qua tâm đắc nhất là điều gì?


Ông Nguyễn Thế Thảo:
Quả thật, trong cái được vẫn luôn tồn tại những mặt hạn chế, tuy nhiên trong năm qua, cái được là rất lớn và đáng ghi nhận. Nếu như liệt kê những thành công, kết quả và cả những tồn tại, bất cập một cách cụ thể thì rất dài dòng và khó nhớ.

Những thành công đó, chúng ta dễ nhận biết hơn khi nhìn vào kết quả về đích, điều này sẽ cụ thể và thực tế hơn nhiều. Mặc dù đầu năm Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí trong quá trình bắt tay điều hành còn khó khăn, vướng mắc hơn cả nhận định trước đó. Theo tôi, thành tích cần biểu dương trước hết dành cho các cấp chính quyền, ban ngành đã có một năm vượt trên cả nỗ lực, gồng mình, bền bỉ, đồng hành cùng Thủ đô vượt qua khó khăn.

Con số tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,25%, cao hơn 1,53 lần so với cả nước là minh chức rõ nét và ấn tượng nhất. Địa bàn Thủ đô, đầu tàu kinh tế của cả nước, tập trung nhiều doanh nghiệp. Lo cho doanh nghiệp trụ vững đã rất khó, rồi khó khăn không kém là làm sao thu ngân sách đạt chỉ tiêu. Có lẽ hai lĩnh vực này đã chiếm phần lớn tâm lực của Hà Nội. Kết thúc năm 2013 thu ngân sách đạt con số 163.090 tỷ đồng, bằng 100,9% dự toán được giao.

- Như vậy có nghĩa là thành phố vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức khá, vậy người dân Hà Nội đã được thụ hưởng gì từ những thành quả đó, thưa ông?


Ông Nguyễn Thế Thảo:
Theo tôi, mang lại lợi ích cho xã hội nằm ở hai khía cạnh, gồm tinh thần và vật chất. Có những cái người dân được thụ hưởng nhưng rất vô hình, có những cái được hưởng lợi chung mà không của riêng ai.

Ví dụ, Hà Nội đã dồn sức cho giao thông, làm hệ thống đường vành đai, huyết mạch, các cầu vượt nhẹ giải tỏa cơ bản các nút thắt, khái niệm tắc đường kéo dài dường như không còn; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giáo dục-đào tạo, khắc phục tình trạng thiếu trường lớp học, nhất là ở những quận nội thành; an ninh trật tự được tăng cường, bảo vệ an toàn cho người dân, người dân cảm nhận thấy yên bình khi đi trên các tuyến đường vào ban đêm; các điểm vui chơi giải trí, các công trình công cộng được đầu tư mở rộng...

Còn về cụ thể, thành phố đã giải quyết việc làm cho 136.500 lượt người; hỗ trợ 16.500 hộ thoát nghèo; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, gia đình chính sách phát triển sản xuất. Thành phố đặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn mới, dành hàng chục ngàn tỷ đồng phát triển nông nghiệp, thủy lợi, các địa phương thuộc tỉnh Hà Tây cũ được đầu tư gấp 3-5 lần, bộ mặt nông thôn đổi thay rõ nét. Phố phường Hà Nội đang khoác trên mình chiếc áo mới, sáng hơn, sạch hơn, đẹp hơn, trật tự hơn…


- Năm qua Hà Nội tổ chức nhiều cuộc gặp mặt doanh nghiệp. Vậy những cuộc gặp mặt này thường bàn những gì, có mang lại hiệu quả như mong đợi và mức độ tốn kém như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Có người cho rằng Hà Nội tổ chức 10 cuộc gặp mặt doanh nghiệp trong năm là quá nhiều! Tôi cho rằng Thủ đô có số lượng doanh nghiệp rất lớn, với trên 150.000 doanh nghiệp, trong năm thành lập mới trên 15.000 doanh nghiệp. Vì vậy, không thể so sánh đơn thuần về mặt con số. Lãnh đạo thành phố muốn nghe doanh nghiệp nói với một tâm thế trải lòng và tâm đắc nhất để từ đó điều chỉnh, sửa đổi hợp lý.

Việc gặp mặt, không phải là mệnh lệnh hành chính, tổ chức kềnh càng tốn kém và bắt buộc mà đây là dịp để doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố dễ “tìm” nhau, để tạo nên tiếng nói chung. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng thấy rất bổ ích và tự nguyện tìm đến diễn đàn để phản ánh những vướng mắc, thậm chí là bức xúc. Ai cũng vì cái đích chung nên khi góp ý, lãnh đạo thành phố luôn sẵn lòng nhận thiếu sót.

Việc gặp mặt đông đảo doanh nghiệp sẽ đỡ tốn thời gian, chi phí cho cả hai bên. Không những thế qua đây còn thấy được đâu là khó khăn chung, đâu là khó khăn đặc thù. Sau khi gặp gỡ mới có những chuyện như thành phố ra các quyết sách khơi thông một số thủ tục, quan tâm thúc đẩy giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động, thu hồi những dự án treo, thực hiện miễn, giảm, giãn nộp thuế với số tiền gần 18.000 tỷ đồng… Tại đây, thành phố còn vận động các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, có doanh nghiệp nộp hàng ngàn tỷ đồng vào ngân sách…


- Bên cạnh những thành công, trong quá trình điều hành, chỉ đạo không tránh khỏi những va vấp, sự cố, thậm chí dẫn tới bức xúc cho lãnh đạo. Vậy ông cảm thấy phiền lòng nhất về điều gì?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Ở Hà Nội luôn phải giải quyết khối lượng công việc đồ sộ, nếu không khoa học và quyết liệt thì luôn để xảy ra tình trạng nhân dân phàn nàn, kêu ca. Vì vậy việc phân cấp, phân nhiệm và cụ thể hóa trách nhiệm là rất quan trọng.

Thực tế, có những sự việc rất nhỏ, nhưng để người dân tìm lên lãnh đạo cấp cao hơn là do cán bộ cơ sở chưa làm hết trách nhiệm. Đáng lẽ giải quyết được ngay từ cơ sở thì sẽ hạn chế được công sức, tiền của và cả bức xúc. Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư cho phát triển thì cần có thủ tục thông thoáng nhưng có nơi cán bộ còn gây phiền hà, nhũng nhiễu. Rồi trong quản lý ở cấp cơ sở nếu sâu sát hơn thì sẽ không để xảy ra những sự cố đang tiếc. Vì vậy mới nảy sinh những việc ngoài mong muốn như ở Thẩm mỹ viện Cát Tường, vụ nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức… Mặc dù đây là những trường hợp cá biệt nhưng ít nhiều gây hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Vì vậy, tôi vẫn chưa hài lòng ở cung cách phục vụ, cũng như phong cách quản lý thờ ơ, vô trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị thành phố.

- Năm 2014 thành phố sẽ làm gì để cải thiện, chấn chỉnh tác phong lề lối làm việc, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Với một địa bàn lớn, khối lượng công việc nhiều nhưng thành phố chỉ xác định 5 nhiệm vụ, giải pháp lớn trọng tâm để dốc sức thực hiện. Vì vậy, mỗi nhiệm vụ là hết sức to lớn và nặng nề.

Theo tôi, nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu vẫn là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ này, đi kèm là hàng chục giải pháp; trong đó vừa phải hỗ trợ vừa phải tạo điều kiện thông thoáng, giải quyết công việc với tinh thần trách nhiệm cao. Thành phố chú trọng và tiếp tục hỗ trợ lãi suất vay vốn, đầu tư, nhập khẩu đồng thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tồn kho.

Một nhiệm vụ nặng nề nữa là phải cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ với tinh thần là “công khai, minh bạch.” Thành phố sẽ kiện toàn và nâng cao chất lượng phục vụ cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, tăng cường phân cấp trong quản lý theo hướng rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ trách nhiệm và tiếp tục thực hiện kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý kỷ luật, điều chuyển cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, như thời gian qua đã làm rất mạnh.

- Ông nhận định gì về tình hình khả quan của năm 2014 và mục tiêu phấn đấu của Hà Nội như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Năm 2014 kinh tế Thủ đô đang từng bước khôi phục và có dấu hiệu khả quan, hàng tồn kho, bất động sản, địa ốc có sức tiêu thụ ngày càng nhanh. Tuy nhiên, với những tồn dư của vài năm qua thì điều kiện vẫn chưa hết khó khăn nên các cấp, ban, ngành không được lơ là, chủ quan; doanh nghiệp cần năng động, sáng tạo để bắt nhịp thị trường. Thành phố luôn sẵn lòng, lắng nghe doanh nghiệp và tạo điều kiện hết sức, nhất là có những quyết sách kịp thời, hợp lý để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tôi tin tưởng rằng sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân sẽ giúp Thủ đô không những vượt qua khó khăn mà còn hội nhập, phát triển nhanh.

Hà Nội phấn đấu, năm 2014 tốc độ tăng trưởng đạt 8,5-9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 57,5-58 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,8%; tỷ lệ thất nghiệp dưới 4,8%.

Nhân dịp năm mới, thay mặt lãnh đạo Hà Nội, tôi xin chúc toàn thể nhân dân Thủ đô đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi và bước sang năm mới đầy hứng khởi.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục