Giá dầu mỏ và khí đốt trên thị trường toàn cầu đã ổn định, quay trở về mức trung bình trước xung đột Nga-Ukraine.
Tỷ trọng năng lượng tái tạo dần dần mở rộng, nhưng chưa thể thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch dù rằng năng lượng tái tạo đã trở thành nguồn năng lượng chủ đạo.
Ngày 4/7, giá điện bán buôn tại Đức đã rơi xuống dưới 0 trong vòng vài giờ khi nguồn cung năng lượng tái tạo đạt sản lượng cao kỷ lục.
Các nhà cung cấp sẵn sàng trả tiền cho người tiêu thụ thay vì ngừng sản xuất, do điều này sẽ tốn kém hơn.
Đây không phải là trường hợp cá biệt, ở nhiều nước châu Âu như Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan hiện tượng vốn vô cùng hiếm hoi nay bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều, phản ánh sự thay đổi nhanh chóng trong cơ cấu năng lượng tại châu Âu và báo hiệu một xu hướng mới trong sự phát triển của công nghiệp năng lượng thế giới.
Giá năng lượng toàn cầu tạm ổn định khi kinh tế ảm đạm
Theo một báo cáo do Viện nghiên cứu năng lượng (Energy Institut) có trụ sở tại London phối hợp với hay tập đoàn tư vấn tài chính KPMG và Kearney công bố ngày 26/6, bất chấp thị trường thế giới bất ổn do giá cao và khó khăn về nguồn cung, tiêu thụ năng lượng toàn cầu năm 2022 vẫn tăng 1,1% so với năm trước.
Mức tăng này chậm hơn so với năm 2021, lên đến 5,5% - năm mà kinh tế thế giới hồi phục mạnh vì mới bước ra khỏi dịch COVID-19. Tuy nhiên, nếu so với năm 2019, nhân loại đã sử dụng năng lượng nhiều hơn đến 2,8%.
[OPEC+ sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để hỗ trợ giá dầu]
Bản đồ về nhu cầu tiêu dùng không có một sắc thái đồng nhất. Nếu như châu Âu và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có lượng tiêu thụ giảm - riêng châu Âu giảm đến 3,8% - thì ở những nơi khác lại tăng mạnh, nhất là châu Á-Thái Bình Dương.
Trong vòng 10 năm, tỷ trọng tiêu thụ của khu vực tăng từ 40% lên 46% thế giới, trong khi châu Âu giảm 3%. Trung Quốc chiếm đến hơn một phần tư nhu cầu năng lượng toàn cầu, gần gấp đôi Mỹ mặc dù quy mô nền kinh tế nhỏ hơn.
So với cách đây một năm, thị trường năng lượng toàn cầu bớt căng thẳng hơn. Sau đợt sóng xung kích lan tỏa từ xung đột Nga-Ukraine, châu Âu đã dần dần ổn định nguồn cung nhờ đa dạng hóa nhà cung cấp và cắt giảm mạnh tiêu thụ bằng chính sách tiết kiệm năng lượng.
Tăng trưởng của Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi được dự báo thấp hơn kỳ vọng cũng gây áp lực kéo giá dầu đi xuống.
Số liệu thị trường mới công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng Sáu gần như ổn định so với cùng kỳ năm trước, báo hiệu nguy cơ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khả năng rơi vào giảm phát.
Hậu quả là giá dầu thế giới đã dao động tương đối nhẹ bất bất chấp việc nhóm OPEC+ phát tín hiệu sẽ cắt giảm nguồn cung.
Hiện tại, giá dầu thấp hơn khoảng 2,2% so với hồi đầu năm và thấp hơn 26% so với cách đây một năm.
Đối với khí đốt, giá giao dịch trên sàn TTF Hà Lan tăng trong vài ngày gần đây nhưng chỉ bằng một phần mười thời điểm cao kỷ lục thiết lập ngày 21/8 năm trước và bằng một nửa hồi đầu năm. Về cơ bản, giá dầu mỏ và khí đốt đã trở về mức trước xung đột.
Trong bối cảnh địa chính trị thế giới khó lường, rất khó nhận định xu hướng thị trường năng lượng thế giới vì nó phụ thuộc vào nhiều biến số không thể dự báo, đặc biệt là xung đột tại UKraine và tình hình kinh tế Trung Quốc, cũng như diễn biến thời tiết.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol không loại trừ khả năng giá năng lượng sẽ lại bùng nổ vào mùa Đông, nếu như kinh tế Trung Quốc vượt qua giai đoạn khó khăn để tăng tốc trở lại, dẫn đến việc nước này phải ồ ạt nhập khẩu dầu khí, kết hợp với thời tiết lạnh giá dịp cuối năm. Tuy nhiên, kịch bản này có phần cực đoan.
EU, tâm điểm của thị trường năng lượng toàn cầu, sẽ tiếp tục lấp đầy các kho dự trữ khí đốt và kết nối các nước với nhau, đồng thời duy trì chính sách tiết kiệm năng lượng.
Mặc dù điều này không bảo đảm châu lục hoàn toàn miễn nhiễm với khả năng thiếu nhiên liệu sưởi ấm vào mùa Đông, nhưng phần nào đã đẩy lùi nguy cơ giá cả tăng đột ngột như năm trước.
Theo đánh giá của hãng phân tích thị trường RBC Capital Markets, EU sẽ hoàn thành mục tiêu lấp đầy 90% kho khí đốt vào cuối tháng Tám tới, sớm hơn ba tháng so với kế hoạch đặt ra.
Năng lượng tái tạo khẳng định chỗ đứng
Tin tốt là theo báo cáo của Viện nghiên cứu năng lượng, năng lượng tái tạo - điện gió, điện Mặt Trời và không kể thủy điện - đã có tỷ lệ ngày càng cao trong rổ năng lượng thế giới, tăng thêm 1% chỉ trong vòng một năm lên 7,5%.
Tuy nhiên, các nguồn năng lượng hóa thạch, gồm khí đốt, than đá, dầu mỏ vẫn là chủ đạo, 82%, và chỉ giảm rất ít so với năm trước.
Thế nhưng, có khá nhiều điểm sáng trên bức tranh năng lượng toàn cầu. Tại châu Âu, năm 2023 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Tháng Năm vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió sản xuất lượng điện năng nhiều hơn các nguồn nhiên liệu hóa thách trong cả một tháng.
Nếu tính trong giỏ năng lượng hỗn hợp của EU, năng lượng tái tạo đã chiếm 29% trong hai tháng qua, tương đương với khí đốt, than đá và dầu mỏ cộng lại.
Từ nửa cuối năm 2022, EU đã thành công trong việc hạ tỷ trọng năng lượng hóa thạch từ 40% xuống còn 30%.
Giữa tháng Sáu, các nước thành viên đã đạt được thỏa thuận, đặt mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo nên 42% trong rổ năng lượng toàn khối, bao gồm cả điện hạt nhân.
Tại Trung Quốc, năng lượng tái tạo đã thu hút gần 500 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 55% tổng số vốn toàn thế giới.
Theo tính toán của tổ chức nghiên cứu Global Energy Monitor, nếu toàn bộ các dự án đang tiến hành hoặc đã công bố hoàn thành, trong vài năm tới Trung Quốc có khả năng tăng gần gấp đôi sản lượng điện gió và điện Mặt Trời, lên 1.200 GW so với khoảng 750 GW hiện nay, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu đề ra.
Cơ quan năng lương quốc gia Trung Quốc dự đoán từ nay đến 2025, sản lượng điện gió, Mặt Trời, thủy điện và điện hạt nhân sẽ đáp ứng một phần ba nhu cầu trong nước so với 28,8% năm 2020.
Không chỉ là nguồn năng lượng vô tận, điện gió và điện Mặt Trời ít chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu, vốn dao động mạnh trong vài năm gần đây do tác động địa chiến lược.
Tuy nhiên, ở một số nước, đầu tư vào năng lượng tái tạo không hẳn là hấp dẫn, bởi điều đó còn phụ thuộc vào vị trí cụ thể.
Các số liệu công bố gần đây cho thấy chi phí sản xuất đã giảm mạnh trong những năm gần đây, nhưng tại Pháp khá nhiều công viên điện gió có vị trí không thuận tiện, chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn sau thuế dưới 5%, do thời gian phát điện dưới 2.170 giờ/năm.
Đối với các công viên có thời gian phát điện dài hơn, trên 2.400 giờ/năm, mức lợi nhuận cao nhất có thể trên 10%./.