WB: Khó đạt mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030

Báo cáo của WB đã đưa ra định nghĩa mới toàn cầu về tình trạng nghèo cùng cực, đó là những người phải chật vật để sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày.
WB: Khó đạt mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 đã gây ra bước thụt lùi lớn nhất đối với các nỗ lực giảm đói nghèo trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Ngày 5/10, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo khó có thể đạt được mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.  

Tỷ lệ người nghèo cùng cực trên toàn cầu đã giảm xuống 8,4% vào năm 2019, so với mức 38% trong năm 1990. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến tỷ lệ này lần đầu tiên tăng trở lại trong hơn 2 thập kỷ.

Theo ước tính của WB, khoảng 70 triệu người đã rơi xuống ngưỡng nghèo cùng cực trong năm 2020. Đây là mức tăng theo năm lớn chưa từng có kể từ khi định chế tài chính này bắt đầu giám sát và thu thập dữ liệu vào năm 1990. 

Báo cáo của WB đã đưa ra định nghĩa mới toàn cầu về tình trạng nghèo cùng cực, đó là những người phải chật vật để sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày.

Ngân hàng này cũng cảnh báo các quốc gia nghèo hơn đang bị bỏ lại phía sau, đồng thời dự báo tỷ lệ người nghèo cùng cực toàn cầu vào năm 2030 sẽ chỉ giảm xuống mức 7%, tương đương gần 600 triệu người.

[WB bổ sung khoản hỗ trợ kỷ lục cho các quốc gia nghèo nhất]

Theo WB, tới 60% trong tổng số người nghèo cùng cực là tại khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara. Để đạt được các mục tiêu giảm tỷ lệ người nghèo cùng cực, tỷ lệ tăng trưởng trong những năm còn lại của thập kỷ này phải ở những mức cao chưa từng có trong lịch sử.  

Báo cáo của WB cho biết thêm trong khi các nước giàu có tiềm lực để chống đỡ với những tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, các nền kinh tế đang phát triển không có điều kiện tốt như vậy.

Thiệt hại về doanh thu của các nước nghèo nhất thế giới cao gấp đôi so với các quốc gia giàu có hơn, khiến tình trạng bất bình đẳng gia tăng lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.

Chủ tịch WB David Malpass nhấn mạnh rằng lạm phát, đồng tiền mất giá và các cuộc khủng hoảng chồng chéo ngày càng lớn đang cho thấy một viễn cảnh ảm đạm. Tiến bộ trong việc giảm tình trạng nghèo cùng cực về cơ bản đã chững lại, cùng lúc với việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm.

Nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của WB cho rằng trong thập kỷ tới, điều quan trọng là các nền kinh tế đang phát triển nên đầu tư lớn hơn và hiệu quả hơn cho y tế cũng như giáo dục.

WB nhận định thêm rằng thay vì trợ cấp dàn trải, các chính phủ nên ưu tiên hỗ trợ tiền mặt một cách tập trung cho các nhóm người nghèo và những người dễ tổn thương.

Định chế tài chính này cũng kêu gọi triển khai các biện pháp như đánh thuế bất động sản và thuế carbon, vừa giúp có thêm doanh thu mà không gây tổn thương những người nghèo nhất.  

Đầu năm 2022, WB cảnh báo có tới 95 triệu người có khả năng sẽ rơi trở lại cảnh nghèo cùng cực vào cuối năm nay./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục