Website cảnh báo sớm vụ kiện chống bán phá giá

Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Chiều 22/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, đã khai trương website và giới thiệu rộng rãi các công cụ của hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới các cơ quan quản lý, các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Hệ thống được xây dựng dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Cục Quản lý cạnh tranh và Chương trình Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam (GCF).

Thông tin về hệ thống cảnh báo sớm được truy cập tại địa chỉ www.canhbaosom.vn hoặc www.earlywarning.vn.

Trước mắt, hệ thống cảnh báo sớm tập trung vào 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm thủy sản, da giày, dệt may, đồ gỗ, dây điện và cáp điện tại hai thị trường Hoa Kỳ và EU. Phạm vi của hệ thống cảnh báo sẽ được điều chỉnh và mở rộng linh hoạt dựa trên mức độ ảnh hưởng của các thị trường trong thời gian tiếp theo.

Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, hệ thống cảnh báo sớm sẽ giúp Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xác định sớm các mối đe dọa, nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) chống lại Việt Nam trước khi chính thức có đơn khởi kiện từ các ngành sản xuất của nước ngoài.

Hệ thống cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam có đủ thời gian và điều kiện để kịp thời điều chỉnh nhằm loại bỏ những mối đe dọa và chủ động đối phó với các cuộc điều tra của các cơ quan có liên quan của nước ngoài.

Tính từ ngày 1/4/1994 đến 30/6/2010, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã và đang phải đối phó với 34 vụ kiện chống bán phá giá và tự vệ của nước ngoài; trong đó Hoa Kỳ và EU là hai thị trường có số vụ kiện nhiều nhất.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, số vụ kiện ngày càng tăng và giữ ở mức cao, trung bình 4 vụ kiện/năm, tập trung vào các ngành hàng sử dụng nhiều lao động nên gây thiệt hại lớn về tài chính cũng như ảnh hưởng tới đời sống xã hội./.

Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục