WEF 2023 nhấn mạnh vai trò của giải quyết khủng hoảng lương thực

Theo báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2023, những quốc gia giải quyết được cuộc khủng hoảng lương thực có thể thúc đẩy việc làm, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ thiên nhiên môi trường.
WEF 2023 nhấn mạnh vai trò của giải quyết khủng hoảng lương thực ảnh 1Người dân tập trung nhận lương thực cứu trợ tại khu vực chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt ở tỉnh Sindh, Pakistan ngày 19/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một báo cáo mới được công bố tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2023 đang diễn ra tại thành phố Davos (Thụy Sĩ), những quốc gia giải quyết được cuộc khủng hoảng lương thực có thể thúc đẩy việc làm, sức khỏe cộng đồng và thiên nhiên môi trường, đồng thời đạt được các mục tiêu trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Báo cáo có tiêu đề "Chuyển đổi lương thực, thiên nhiên môi trường và sức khỏe cộng đồng - Mô hình quốc gia" cho thấy các quốc gia "tiên phong" có thể đẩy nhanh "quá trình chuyển đổi sang các hệ thống lương thực giúp mang lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn, sinh kế tốt hơn cho một cộng đồng dân cư dân bao trùm hơn, an ninh dinh dưỡng tốt hơn và sức khỏe được cải thiện, trong khi mức tác động đối với khí hậu và thiên nhiên thấp hơn". 

Ông Gim Huay Neo - Giám đốc vận hành Trung tâm Thiên nhiên và Khí hậu của WEF - cho biết: "Việc chuyển đổi hệ thống lương thực cung cấp cho người dân chế độ ăn uống lành mạnh và bổ dưỡng, đồng thời tạo công ăn việc làm phù hợp với nông dân và các nhà sản xuất. Báo cáo này cho thấy việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường có thể hỗ trợ cộng đồng như thế nào trong các nỗ lực giảm thiểu hậu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu."

Báo cáo trên cũng nêu rõ các mô hình được triển khai tại 7 quốc gia tiên phong ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ và châu Âu - những quốc gia có hiệu quả chuyển đổi tương đối mạnh mẽ và mang lại những bài học tiêu biểu được cho là thích hợp để áp dụng rộng rãi.

Những chuyển đổi của các quốc gia này có những yếu tố chung có thể áp dụng tại những quốc gia khác, trong đó có những hành động then chốt và những khoản đầu tư nhằm thúc đẩy chuyển đổi cũng như cách thức thực hiện quá trình này.

[Người dân khắp nơi đều cảm nhận được 'mùi vị' của khủng hoảng]

Ông Maximo Torero Cullen - nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) - cho biết:  "Tùy thuộc vào bối cảnh của từng quốc gia, các lộ trình khác nhau có thể được áp dụng để chuyển đổi hệ thống nông sản nhằm cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng, cũng như đảm bảo tính bền vững trong vấn đề này. Việc tăng cường khả năng phục hồi khí hậu và củng cố môi trường lương thực để thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh là hai biện pháp can thiệp chính có tác động tích cực đến an ninh lương thực, thiên nhiên môi trường và sức khỏe cộng đồng.”

Các chuyên gia nhận định rằng một số quốc gia như Ghana, Ấn Độ, Việt Nam đã cải thiện được hệ thống lương thực bằng cách giải phóng tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp liên kết với nông dân và hoạt động trong chuỗi thực phẩm địa phương.

Báo cáo trên cũng cho rằng người nông dân có thể sẵn sàng áp dụng các phương pháp mới nếu nền kinh tế vận hành thuận lợi đối với họ. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, cần có sự phối hợp hành động từ nhiều bên liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục