WFP giảm viện trợ lương thực cho Yemen do thiếu ngân sách

Kể từ tháng 1/2022, 8 triệu người dân Yemen sẽ nhận được khẩu phần ăn bị giảm đi một nửa, chỉ có 5 triệu người thuộc nhóm nguy cơ cao rơi vào nghèo đói sẽ vẫn nhận được đầy đủ lương thực.
WFP giảm viện trợ lương thực cho Yemen do thiếu ngân sách ảnh 1Trẻ em dùng can nhựa để lấy nước sinh hoạt tại Sanaa, Yemen. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/12, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết tổ chức này đã buộc phải cắt giảm viện trợ lương thực cho Yemen do thiếu ngân sách, đồng thời cảnh báo nguy cơ nghèo đói gia tăng tại quốc gia này.

Trong thông báo, WFP cho biết do thiếu ngân sách, kể từ tháng 1/2022, 8 triệu người dân Yemen sẽ nhận được khẩu phần ăn bị giảm đi một nửa, chỉ có 5 triệu người thuộc nhóm nguy cơ cao rơi vào nghèo đói sẽ vẫn nhận được đầy đủ lương thực.

Trong khi đó, các chương trình hỗ trợ thực phẩm và giúp đỡ trẻ em suy dinh dưỡng khác cũng có nguy cơ bị cắt giảm.

Giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của WFP Corinne Fleischer nhấn mạnh mặc dù đã nhiều lần kêu gọi có biện pháp khẩn cấp, song ngân sách có hạn khiến tổ chức này không còn lựa chọn nào khác là ưu tiên nguồn lực cho những người nguy cấp nhất.

Trước đó, các cơ quan của Liên hợp quốc, trong đó có WFP, cảnh báo sẽ cắt giảm nhiều chương trình, sau khi tính đến cuối tháng 10 họ mới chỉ nhận được 2,68 tỷ USD từ các nhà tài trợ thay vì 3,85 tỷ USD như đề nghị.

[Liên hợp quốc thúc đẩy kế hoạch hòa bình cho cuộc khủng hoảng Yemen]

WFP cho hay tổ chức này cần 813 triệu USD để tiếp tục giúp đỡ những người bị tổn thương nhất tại Yemen từ nay cho đến tháng 5/2022 và gần 2 tỷ USD trong năm sau để tiếp tục viện trợ lương thực đến các gia đình đang trên bờ vực nghèo đói.

Yemen rơi vào xung đột kể từ năm 2014 khi lực lượng Houthi chiếm giữ nhiều tỉnh ở miền Bắc nước này, buộc chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi được quốc tế công nhận phải rời khỏi thủ đô Sanaa và tới thành phố Aden.

Cuộc xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước này.

Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy xung đột kéo dài nhiều năm ở Yemen đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, với 80% dân số Yemen đang cần hỗ trợ nhân đạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục