WHO: Có thể ngăn ngừa nguy cơ trẻ em mất thính giác từ nhỏ

WHO đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và can thiệp để ngăn ngừa hay giảm thiểu việc mất thính lực của trẻ em.
WHO: Có thể ngăn ngừa nguy cơ trẻ em mất thính giác từ nhỏ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy 60% trẻ em mất thính giác từ nhỏ có thể ngăn ngừa được.

Nhân Ngày Thính lực Thế giới (ngày 3/3), WHO đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và can thiệp để ngăn ngừa hay giảm thiểu việc mất thính lực của trẻ em.

WHO cho biết có tới 360 triệu người trên toàn thế giới bị mất thính lực, trong đó có gần 32 triệu trẻ em. Có 31 triệu người trong số người mất thính lực trên toàn thế giới sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Bà Alarcos Cieza, điều phối Chương trình phòng ngừa khiếm thính và khiếm thị của WHO, thông báo khoảng 40% trường hợp trẻ em mất thính lực có thể là do di truyền, 31% khác là do bị nhiễm trùng. Bà Cieza nhấn mạnh trẻ em có thể bị nhiễm trùng lúc còn nhỏ vì các chứng bệnh như quai bị, viêm màng não, sởi hay những trường hợp viêm tai giữa rất phổ biến hoặc bị nhiễm trùng qua người mẹ, như bệnh sởi Đức. Do đó, cần thiết phải tiêm chủng và chăm sóc tai trẻ em một cách kỹ lưỡng.

Theo bà Cieza, có gần 20% những trường hợp mất thính lực của trẻ em là do quá trình sinh nở có vấn đề, trẻ em sinh thiếu cân hay bệnh vàng da của trẻ sơ sinh, và các chương trình chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em có thể ngăn ngừa chứng khiếm thính.

Bà Cieza cho biết nhiều quan niệm sai lầm có liên hệ đến việc mất thích lực thường làm nản lòng các gia đình muốn tìm sự giúp đỡ cho con em, do vậy những chương trình phục hồi trong cộng đồng có thể nâng cao nhận thức của người dân và chống lại những quan niệm sai lầm này. Bà khẳng định việc phát hiện sớm những trẻ em mất thính lực rất quan trọng trong việc đưa ra những biện pháp can thiệp cần thiết, như là cung cấp các loại máy trợ thính.

Tại những nơi không thể có được máy trợ thính, thì việc giúp các trẻ em bị điếc có thể giao tiếp được qua ngôn ngữ bằng dấu hiệu và những kỹ năng học hỏi khác có thể tăng đáng kể chất lượng cuộc sống của các em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục