Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/2 cho biết ít nhất 18 tháng nữa mới có thể tiến hành thử nghiệm các vắcxin phòng chống virus Zika trên quy mô lớn.
Phát biểu với báo giới tại Geneva, Phó giám đốc phụ trách các hệ thống y tế và sáng kiến của WHO, bà Marie-Paule Kieny cho biết khoảng 15 công ty hoặc tập đoàn đã bắt đầu nghiên cứu điều chế vắcxin phòng virus Zika, trong bối cảnh WHO đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế do virus này hoành hành nghiêm trọng tại Mỹ Latinh và có nguy cơ bùng phát tại nhiều quốc gia ở các khu vực khác. Thế giới hiện chưa có vắcxin phòng ngừa hay phương pháp điều trị bệnh do virus Zika gây ra được WHO chấp nhận hoặc được thử nghiệm lâm sàng.
Theo bà Kieny, hiện có hai loại vắcxin "hứa hẹn nhất," gồm loại vắcxin do Viện y tế quốc gia Mỹ phát triển và một loại khác của Tập đoàn công nghệ sinh học Bharat có trụ sở tại Ấn Độ. Tuy nhiên, ít nhất phải 18 tháng nữa mới có thể tiến hành thử nghiệm quy mô lớn đối với hai loại vắcxin này.
Bà Kieny cũng cho biết sẽ chỉ mất khoảng 4-8 tuần để các chuyên gia y tế có thể xác định liệu có phải virus Zika gây ra dị tật đầu nhỏ và hội chứng rối loạn hệ thần kinh Guillain Barré ở trẻ sơ sinh hay không.
Trước đó, WHO cho rằng phải mất ít nhất sáu tháng để xác định sự liên quan giữa virus Zika với hai hiện tượng trên.
Virus Zika thuộc họ virus Flaviviridae, lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban.
Giới y tế đang tập trung nghiên cứu xác định sự liên quan giữa virus này với hiện tượng trẻ sơ sinh có đầu và não nhỏ bất thường và chứng Guillain-Barre gây tê liệt thần kinh, thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh.
Theo WHO, trường hợp người bệnh sốt do virus Zika được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1968. Hiện Zika đã xuất hiện tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, trong đó Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1,5 triệu người nhiễm, tiếp theo là Colombia với 22.600 trường hợp./.