WHO kêu gọi đối phó với dịch cúm A/H1N1

Trước tình huống khó có thể dự đoán được bản chất của chủng virus cúm A/H1N1 sẽ biến đổi ra sao, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/5 đã kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới luôn sẵn sàng để đối phó với khả năng cúm A/H1N1 bùng phát thành đại dịch.

Trước tình huống khó có thể dự đoán được bản chất của chủng virus cúm A/H1N1 sẽ biến đổi ra sao, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/5 đã kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới luôn sẵn sàng để đối phó với khả năng cúm A/H1N1 bùng phát thành đại dịch.

Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), Tiến sĩ Keiji Fukuda, quyền Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, cho biết nhiều kịch bản có thể xảy ra, hoặc mọi việc sẽ diễn ra khá đơn giản, hoặc tình hình sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, trong tình huống nào, thế giới vẫn phải chuẩn bị cho một kịch bản xấu nhất.

Theo ông Fukuda, WHO chưa có kế hoạch nâng báo động dịch lên mức cao nhất (cấp 6 - dịch đã lây ra toàn cầu) do hiện tại vẫn chưa có đủ những bằng chứng mạnh mẽ cho thấy sự lây nhiễm từ người sang người ở mức cộng đồng.

Ông Fukuda cảnh báo số người nhiễm virus cúm tại châu Âu và một số khu vực khác có thể sẽ tăng vọt như tại Bắc Mỹ hiện nay, do chủng virus cúm gây chết người này nhiều khả năng sẽ "bám rễ" tại các khu vực trên.

Theo ông Fukuda, đa số những ca nhiễm virus A/H1N1 tại châu Âu, châu Á và Nam Mỹ hiện nay đều liên quan đến những người mang virus từ vùng dịch (Mexico hoặc Mỹ) trở về.

Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết việc tìm hiểu xu hướng lây bệnh còn quan trọng hơn số lượng các ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên, CDC khẳng định khó có thể đoán trước được sự phát triển của virus này và điều quan trọng là phải tập trung tìm hiểu cách thức virus lây lan, đặc biệt tại Nam bán cầu hiện nay, nơi bắt đầu bước vào mùa cúm.

Liên quan đến chiến dịch phòng chống virus cúm A/H1N1 ở các nước Đông Nam Á, tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN +3 về phòng chống cúm A/H1N1 diễn ra ở Bangkok, Thái Lan, các bên đã nhất trí hợp tác để kiểm soát nguy cơ bùng phát dịch trong khu vực.

Hội nghị cũng nhất trí triển khai các biện pháp phòng chống sự lan nhiễm của cúm A/H1N1, tập trung vào trao đổi thông tin, thành lập các đơn vị cơ động trong khu vực để phát hiện cúm ở những vùng biên giới chung, hợp tác trong xét nghiệm và nghiên cứu virus tại các phòng thí nghiệm, quy định về soi kiểm tra và phát triển một hệ thống đối phó khi dịch bệnh bùng phát trong tương lai ở khu vực.

Tuy nhiên, tờ “Bưu điện Bangkok” ngày 9/5 dẫn lời các chuyên gia cao cấp về y tế, cho rằng tình trạng thiếu thuốc dự trữ và khả năng hạn chế của các nước thành viên ASEAN trong phát triển vắcxin phòng chống cúm A/H1N1 vẫn là một trở ngại cho những nỗ lực nhằm chặn đứng sự lan nhiễm của dịch bệnh tới khu vực.

Người phát ngôn Ngân hàng Thế giới (WB) Toomus Palu cũng cam kết WB sẵn sàng huy động thêm nguồn tài chính để các nước ASEAN, hiện khó khăn về vốn do khủng hoảng tài chính toàn cầu, có thể phát triển hoặc mua thuốc phòng chống và điều trị cúm A/H1N1. Ông nhận định tác động của cúm A/H1N1 đối với khu vực có thể sẽ nghiêm trọng và làm cho kinh tế ASEAN sụt giảm tới 3%.

Theo người phát ngôn WB, với quy mô hạn chế tại những cơ sở sản xuất thuốc Tamiflu và các vắcxin phòng dịch hiện nay, ASEAN và ba nước đối tác khó có thể nhanh chóng đáp ứng đủ nhu cầu của khu vực về thuốc phòng chống trong trường hợp cúm bùng phát và lan rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục