WHO quan ngại tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nam Mỹ

Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp thuộc WHO lưu ý rằng trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới vào tuần trước thì có 8 nước tập trung ở châu Mỹ.
WHO quan ngại tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nam Mỹ ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mendoza, Argentina. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/6, Tổ chức y tế thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại về tình hình dịch COVIDD-19 tại Nam Mỹ, cảnh báo các đợt bùng phát dịch tại khu vực vốn chịu tác động nặng nề của đại dịch này đang diễn biến xấu đi.

Ông Michael Ryan, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp thuộc WHO, lưu ý rằng trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới vào tuần trước thì có 8 nước tập trung ở châu Mỹ.

Phát biểu với báo giới, quan chức WHO nhấn mạnh: "Tình hình dịch tại Nam Mỹ thời điểm này rất đáng quan ngại."

[COVID-19: Số ca nhiễm mới tăng tại Nam Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương]

Ông Ryan nêu rõ khu vực này đã ở trong tình cảnh thực sự khó khăn mới chỉ vài tháng trước đây, hiện nay tình hình lại đang bắt đầu diễn biến xấu đi.

Theo ông Ryan, sự lây lan dịch bệnh tại Nam Mỹ đang căng thẳng, lây nhiễm trong cộng đồng trên diện rộng trong khi hệ thống y tế quá tải, và những yếu tố này thể hiện ở tỷ lệ tử vong cao.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Peru ngày 1/6 công bố số ca tử vong do COVID-19 ở nước này là 180.764 ca, cao gấp đôi con số thống kê chính thức 69.342 ca trước đó, sau khi các chuyên gia phát hiện có nhiều trường hợp tử vong chưa được thống kê.

WHO quan ngại tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nam Mỹ ảnh 2Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Arequipa, Peru. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Như vậy, Peru trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 tính trung bình trên đầu người cao nhất thế giới. Trong khi đó, Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong do COVID-19, sau Mỹ.

Ông Ryan nêu rõ tỷ lệ xét nghiệm có kết quả dương tính với COVID-19 tại nhiều nước Nam Mỹ vẫn ở mức "cao đáng kể," trong đó Paraguay là 37%, Argentina là 33% và Colombia là 30%.

Quan chức WHO này nhấn mạnh các nước trên thế giới cần phải phá vỡ chuỗi lây nhiễm, nỗ lực hơn nữa để kiềm chế sự lây lan của virus đồng thời đảm bảo việc tiếp cận vaccine công bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục