Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 14/12 cho biết đã không đạt được thỏa thuận được mong chờ từ lâu về việc cấm trợ cấp, vốn gây ra tình trạng đánh bắt cá quá mức, trước thời hạn chót vào cuối năm nay.
Ông Santiago Wills, người chủ trì cuộc họp kín của WTO ngày 14/12, cho biết vòng đàm phán mới sẽ bắt đầu vào tuần thứ ba của tháng 1/2021, đồng nghĩa với việc các cuộc thảo luận kéo dài gần 20 năm qua sẽ tiếp tục phải gia hạn.
Theo ông Wills, có một sự đồng thuận rộng rãi rằng cần phải hành động chống lại tình trạng đánh bắt thái quá, lấy đi của biển cả nguồn tài nguyên quan trọng mà hàng triệu người sẽ cần để sinh sống, tuy nhiên, hai thập kỷ thảo luận vẫn không giúp giải quyết vấn đề.
[Brexit: Anh-EU bế tắc về cạnh tranh công bằng và quyền đánh bắt cá]
Phát biểu với báo giới, ông Wills cho biết đã có nhiều tiến bộ trong các cuộc đàm phán trong năm qua, với nhiều ý tưởng hấp dẫn và cả thiện chí đồng thuận trong một số lĩnh vực, song vẫn chưa đủ, vẫn còn nhiều khác biệt.
Ông thừa nhận: "Chúng ta đã không thể bù lại thời gian đã mất vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm gián đoạn các cuộc thảo luận, và không thể đưa đàm phán đến một kết cục thành công trong năm nay."
Ông cho biết ông sẽ cho ra đời một dự thảo sửa đổi mới vào cuối tuần này để các chính phủ cân nhắc. Ông nhấn mạnh: "Tình hình ngày càng khẩn cấp. Trong khi chúng ta đàm phán, các vựa cá tiếp tục suy giảm vì đánh bắt thái quá. Sứ mệnh của chúng ta vẫn không thay đổi."
Các cuộc đàm phán tại WTO đã bắt đầu tại Doha năm 2001 và đã thông qua Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2015, theo đó đặt ra hạn chót đến cuối năm 2020 để xóa bỏ mọi hình thức trợ cấp dẫn tới đánh cá bất hợp pháp, lén lút và bừa bãi.
Hiện các nước châu Âu và những nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc muốn cấm trợ cấp đánh bắt cá, trừ khi các trợ cấp đó có tác động tích cực và đã loại bỏ hết các tác động tiêu cực.
Ngược lại, nhiều nước khác cho rằng trợ cấp là xấu và cần phải dỡ bỏ. Trong khi đó, cũng có những nước kêu gọi giới hạn mức trần trợ cấp./.