Xác định thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ tỉnh Bắc Giang về thông tin thị trường hàng nông sản, trong đó có vải thiều, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Xác định thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)

Ngày 29/5 tại thành phố Bắc Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản năm 2019.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Bắc Giang trong việc tổ chức Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản của tỉnh Bắc Giang năm 2019 và sự quyết tâm của tỉnh qua cách tiếp cận, phát triển thị trường, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xác định thị trường để tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Việc tổ chức diễn đàn này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Đây là cách làm hay, sáng tạo của tỉnh, cần được biểu dương khuyến khích.”

Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều thuận lợi và quảng bá về các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản của tỉnh Bắc Giang nói chung, thương hiệu quả vải thiều nói riêng, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương liên quan hướng dẫn tỉnh thực hiện quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải thiều và các sản phẩm nông sản để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường tiềm năng.

[Vải sớm được mùa và được giá, nông dân Bắc Giang rất phấn khởi]

Xác định thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ảnh 2Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tiễn chuyến vải đầu tiên lên đường thuận lợi. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)

Cùng đó, các bộ, ngành liên quan bổ sung danh mục các mặt hàng nông sản, trái cây khác được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; hỗ trợ tỉnh Bắc Giang về thông tin thị trường hàng nông sản và vải thiều, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại tại các quốc gia trên thế giới.

Mặt khác, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ hiện đại bảo quản, chế biến vải thiều cũng như tạo điều kiện, giúp đỡ tỉnh kết nối, phát triển các tour, tuyến du lịch; định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Các cơ quan chức năng, đối tác của Trung Quốc tăng cường kết nối giao thương, giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân có kinh nghiệm, uy tín sang ký kết, thu mua, tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Bắc Giang được duy trì ổn định, lâu dài và đầu tư dự án phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng, đối tác của Trung Quốc rút ngắn tối đa về thủ tục hành chính, giúp vải thiều của Bắc Giang được nhập khẩu vào Trung Quốc với thời gian nhanh nhất, thuận lợi nhất.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp, thương nhân, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối sớm kết nối, bàn bạc, ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo mối liên kết bền vững giữa người dân trồng vải thiều nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung với các doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy tỉnh Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ; sở hữu nền trầm tích văn hóa giàu có với hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng độc đáo và phong phú.

Bên cạnh tiềm năng phát triển du lịch, Bắc Giang còn được biết đến với vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích gần 50 nghìn ha; trong đó, vải thiều có diện tích trên 28 nghìn ha, lớn nhất cả nước, sản lượng hàng năm đạt trên 150 nghìn tấn/năm.

Đáng lưu ý, quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia.

Xác định thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ảnh 3Gian hàng vải thiều và các sản phẩm từ vải thiều của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Tùng Lâm/ TTXVN)

Riêng năm 2018 vải thiều Bắc Giang đã được Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á chính thức xác nhận nằm trong Top 10 món ăn, đặc sản đạt giá trị Kỷ lục của khu vực Đông Nam Á.

Năm nay, sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 150 nghìn tấn; trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 22.000ha, sản lượng khoảng 110.000 tấn.

Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gần 14.000ha, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218ha - được Mỹ cấp mã số (IRADS) với 394 hộ sản xuất; Trung Quốc đã cấp 149 mã vùng trồng với diện tích trên 16.000 ha và 86 cơ sở đóng gói.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định, tỉnh Bắc Giang đang bước vào những ngày đầu của vụ thu hoạch vải thiều năm 2019.

Do đó, tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Hơn nữa, tỉnh chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất như vốn tín dụng, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...

Ngay sau diễn đàn, các đại biểu dự nghi lễ cắt băng xuất hành đoàn xe chở vải thiều tiêu thụ tại chợ đầu mối và hệ thống siêu thị Saigon Co.op khu vực miền Trung, miền Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục