Xây dựng gia đình không có trẻ bỏ học, phạm luật

Từ chia sẻ của những người trong cuộc, có thể thấy tình trạng trẻ em bỏ học dẫn đến vi phạm pháp luật đang là mối lo chung của toàn xã hội.
Sáng 13/1, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm “Xây dựng gia đình không có trẻ bỏ học và vi phạm pháp luật” với sự tham gia của 14 tỉnh, thành phố.

Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm và bàn giải pháp xây dựng gia đình không có trẻ bỏ học và vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng cộng đồng lành mạnh, an toàn cho trẻ.

Đây là hoạt động nằm trong Kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Mục tiêu chung của Đề án là thông qua việc cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ giúp cho 5 triệu bà mẹ có con dưới 16 tuổi nắm vững kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con tốt nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong ở trẻ, hạn chế tình trạng trẻ em độ tuổi vị thành niên vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội.

Từ chia sẻ của những người trong cuộc, có thể thấy tình trạng trẻ em bỏ học dẫn đến vi phạm pháp luật đang là mối lo chung của toàn xã hội. Một trong những hệ lụy có thể nhìn thấy rõ là khi trẻ bỏ học, các em rất dễ vi phạm pháp luật.

Theo Tiến sĩ Lê Thúc Dục, Trưởng nhóm nghiên cứu “Những cuộc đời trẻ thơ,” có 4 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em bỏ học là: chán học, học yếu không theo kịp lớp (chiếm tới 40%); không có điều kiện đi học; cha mẹ thiếu trách nhiệm, bắt con nghỉ học để giúp việc nhà; gia đình, nhà trường không quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện cho các em đến trường.

Hiện nay, Nhà nước và xã hội đã dành nhiều quan tâm phát triển thể chất cho trẻ em nhưng chưa thực sự chú trọng đến khía cạnh tâm hồn, trang bị cho các em những kỹ năng để bắt kịp với nhịp sống hiện đại, biết phân biệt sai-trái, tốt-xấu. Trong thực tế, 1/4 số trẻ em bỏ học không phải vì điều kiện vật chất mà không còn hứng thú với việc đến trường. Đói nghèo không phải là nguyên nhân chính khiến trẻ em bỏ học - Tiến sĩ cho biết.

Ông Lê Kim Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình cho biết, học sinh của trường là những em có hành vi phạm pháp luật đã được giáo dục tại cộng đồng những chưa tiến bộ; trong đó trên 90% là học sinh tiểu học, trung học cơ sở; khoảng 6% là những em chưa được đi học. Ông Lê Kim Thanh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật là do các em chưa được trang bị đầy đủ về mặt nhận thức, đạo đức. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này, sự thay đổi về mặt tâm sinh lý có tác động mạnh đến nhận thức và hành vi của các em. Khi bỏ học, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình và nhà trường, các em dễ sa đà dẫn đến vi phạm pháp luật.

Với trách nhiệm của tổ chức Hội cơ sở, bà Phạm Thị Thoa (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên) cho biết, Hội đã phối hợp với ngành giáo dục xây dựng mô hình "Dân nuôi" hơn 1.000 phòng nội trú, có sự quan tâm của các cấp chính quyền để hạn chế tình trạng bỏ học, tạo điều kiện sinh hoạt, học tập tốt cho các em. Hội Liên hiệp phụ nữ Long An xây dựng mô hình “Tấm áo trao bạn,” vận động phong trào nuôi heo đất để hỗ trợ con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nam đã thực hiện các mô hình truyền thông, các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức hội thảo, giao lưu trao đổi kinh nghiệm để tìm ra những biện pháp tốt nhất giải quyết tình trạng này. Tỉnh Hà Tĩnh có mô hình Câu lạc bộ "Mẹ vắng nhà," hướng dẫn kỹ năng sống độc lập, phòng chống, ngăn ngừa trẻ lang thang.

Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh là những giải pháp đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh áp dụng hiệu quả. Ngành giáo dục đã đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng rèn kỹ năng sống, thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” tạo hứng thú đến trường cho các em. Đối với nhóm học sinh có năng lực yếu, ngành đã chỉ đạo các trường khảo sát, phân loại học sinh. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi phải được tiến hành song song với phụ đạo học sinh yếu kém, hạn chế tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp;” coi đây là tiêu chí đánh giá thi đua và khen thưởng. Trong năm học vừa qua, ngành đã tổ chức quyên góp, giúp đỡ 1,4 tỷ đồng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể thấy, để từng bước giải quyết tình trạng trẻ bỏ học dẫn đến vi phạm pháp luật , cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của nhiều phía, trong đó gia đình là nền tảng quan trọng và vai trò của người mẹ đối với việc khuyến khích con học hành giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự hỗ trợ, động viên kịp thời của các tổ chức xã hội, đoàn thể, chính quyền địa phương từ cơ sở. M ối quan hệ giữa gia đình và nhà trường đóng vai trò rất lớn trong việc ngăn chặn những hành vi phạm pháp luật của con em mình. Chính sự động viên, khuyến khích của gia đình cũng như giúp đỡ kịp thời từ cấp cơ sở sẽ giúp các em tránh được tình trạng này./.

Khiếu Thị Tư (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục