Xây dựng thành phố Long Xuyên thành đô thị thông minh, hiện đại

Phó Thủ tướng khẳng định, thành phố Long Xuyên trở thành đô thị loại 1 là dấu mốc quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Long Xuyên cũng như tỉnh An Giang.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Long Xuyên trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang cho lãnh đạo thành phố Long Xuyên. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Long Xuyên trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang cho lãnh đạo thành phố Long Xuyên. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Tối ngày 20/8, Thành ủy Long Xuyên, tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đến dự và trao quyết định này.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chúc mừng và biểu dương những nỗ lực vượt bật và những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Long Xuyên nói chung và tỉnh An Giang nói riêng đã đạt được trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng khẳng định, thành phố Long Xuyên trở thành đô thị loại 1 là dấu mốc quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Long Xuyên cũng như của cả tỉnh An Giang; đây là điều kiện thuận lợi để thành phố phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị, xứng đáng với vai trò là trung tâm tổng hợp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh An Giang, địa phương có đường biên giới dài, có nhiều cửa khẩu với các hoạt động kinh tế, giao lưu nhân dân diễn ra thường xuyên phải coi nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 là ưu tiên hàng đầu, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch một cách hiệu quả; tuyệt đối không được lơ là, không để dịch bệnh xuất hiện và lây lan trên địa bàn.

[An Giang: Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực]

Để thành phố Long Xuyên phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu tỉnh An Giang nói chung và thành phố Long Xuyên phải tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương và toàn vùng, gắn với nhu cầu thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; đảm bảo ứng phó có hiệu quả với biến đối khí hậu theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh An Giang cần tập trung chủ động quỹ đất để phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và đô thị; chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị gắn với ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, phát triển kinh tế-xã hội; trong đó tập trung kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch.

Xây dựng thành phố Long Xuyên thành đô thị thông minh, hiện đại ảnh 1Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu, chúc mừng thành phố Long Xuyên trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

"Thành phố Long Xuyên tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị xây dựng Long Xuyên thành một đô thị thông minh, hiện đại, một đô thị văn hóa, một thành phố bên sông thật sự lý tưởng và đáng sống...,” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý.

Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên 11.500 ha, có dân số quy đổi trên 500.000 người, với 13 đơn vị hành chính, gồm 11 phường và 2 xã. Đô thị Long Xuyên đạt tiêu chuẩn đô thị loại III và được công nhận là thành phố theo Nghị định 09/NĐ-CP ngày 01/3/1999 của Chính phủ.

Sau 10 năm xây dựng và phát triển thành phố Long Xuyên được công nhận là đô thị loại II theo Quyết định số 747/QĐ-TTg ngày 14/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố Long Xuyên có lợi thế kết nối thuận lợi với các vùng của quốc gia, quốc tế, nằm trên điểm giao của các tuyến giao thông trọng yếu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chỉ cách sân bay quốc tế Cần Thơ khoảng 60km.

Thành phố cũng có điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế có cảng Mỹ Thới là cảng hoạt động có hiệu quả thứ 2 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có thể tiếp nhận tàu 10.000DWT, đang mở rộng kho bãi nâng công suất cảng lên 3,5 triệu tấn/năm.

Ông Phạm Thành Thái, Bí thư Thành ủy Long Xuyên cho biết, sau khi được công nhận đô thị loại II, qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay Long Xuyên đã có những bước phát triển vững chắc về mọi mặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

"Đến nay nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư trên địa bàn Long Xuyên đưa vào sử dụng; nhiều khu đô thị mới, hiện đại được hình thành đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của của cư dân đô thị. Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông trọng điểm được nâng cấp, mở rộng đồng bộ đã góp phần xóa bỏ tình trạng ngập úng cục bộ, đảm bảo thông suốt, an toàn trong lưu thông, tạo tính kết nối không gian đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển," ông Thái nhấn mạnh.

Hiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Long Xuyên là 10,25%; thu nhập bình quân đầu người của thành phố Long Xuyên đạt 132 triệu đồng/người/năm, bằng 2,26 lần thu nhập bình quân đầu người cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, đặc biệt tỷ trọng thương mại, dịch vụ năm 2020 chiếm đến 80,39 % trong nền kinh tế, cao nhất trong hệ thống 12 đô thị tỉnh lỵ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo điều chỉnh quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Long Xuyên được xác định là một trong 6 đô thị loại 1 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm tăng trưởng kinh tế, trung tâm thương mại dịch vụ của tiểu vùng giữa đồng bằng tại khu vực phía Nam sông Hậu.

Long Xuyên cũng là trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ, trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh An Giang nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục