Xe buýt Hà Nội sụt giảm hơn 40% về sản lượng, doanh thu bán vé

Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã đề xuất liên ngành và thành phố xem xét điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu xe buýt năm 2022 cho phù hợp với tình hình thực tế do nguyên nhân khách quan.
Xe buýt Hà Nội sụt giảm hơn 40% về sản lượng, doanh thu bán vé ảnh 1Xe buýt vẫn là xương sống chủ đạo vận chuyển hành khách công cộng của Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thói quen đi lại thay đổi, tần suất hoạt động bị khống chế, trong sáu tháng vừa qua, sản lượng, doanh thu bán vé của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) sụt giảm hơn 40% so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Nhìn nhận còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, lãnh đạo Transerco cho rằng xe buýt tiếp tục cắt giảm chuyến lượt so với hợp đồng đấu thầu-đặt hàng, trong đó từ ngày 1/1-7/2 giảm 50% công suất, từ ngày 8/2-15/3 khôi phục hoạt động 100% và từ ngày 16/3 đến nay duy trì giảm 15%.

Chưa kể, môi trường hoạt động xe buýt có nhiều thay đổi so với trước khi đấu thầu như phát sinh dịch bệnh, thói quen, nhu cầu đi lại thay đổi, cắt giảm tần suất, san sẻ hành khách với các tuyến mở mới, ùn tắc giao thông giờ cao điểm diễn biến phức tạp làm xe buýt bị chậm giờ, ảnh hưởng đến chất lượng chuyến đi… dẫn đến sản lượng, doanh thu bán vé sụt giảm lớn.

Transerco đã đề xuất liên ngành và thành phố xem xét điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu xe buýt năm 2022 cho phù hợp với tình hình thực tế do nguyên nhân khách quan đồng thời có kế hoạch khôi phục lại tần suất hoạt động các tuyến buýt theo đấu thầu để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Ngoài ra, các tuyến xe buýt sân bay đã hoạt động trở lại nhưng vẫn còn khó khăn do lượng hành khách quốc tế còn hạn chế. Sản lượng chuyến lượt chỉ bằng 30% giai đoạn trước dịch. Tuyến 86 hiện đạt tỷ lệ khách bình quân là 14 khách/lượt nhưng doanh thu chỉ bằng 18,5% so với trước dịch. Tuyến 68 chỉ đạt 8,8 khách/lượt, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2020. Hai tuyến buýt này phải thực hiện tăng giá vé 2 lần vào ngày 15/3 và 24/6/2022 do giá nhiên liệu tăng cao nhưng kết quả kinh doanh vẫn không bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch.

Trước ảnh hưởng dịch bệnh cùng với việc giá nhiên liệu tăng cao và loại hình xe limousine hoạt động ngoài bến xe đang gây nhiều khó khăn cho các đơn vị vận tải và bến xe, phía Transerco thông tin thêm sản lượng dịch vụ các bến xe khôi phục chưa được trên 50% so với thời điểm trước dịch; hoạt động vận tải kinh doanh khó khăn do lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, nhiều khoản chi phí khác do ảnh hưởng của giá xăng dầu cũng biến động tăng theo.

[Xe buýt Hà Nội sụt giảm hành khách và nỗi lo về doanh thu bán vé]

Đánh giá tình hình từ nay đến cuối năm dự báo vẫn còn nhiều thách thức do các yếu tố khách quan và chủ quan, lãnh đạo Transerco cho biết luôn bám sát diễn biến tình hình, thực hiện điều hành linh hoạt, quyết liệt, nắm bắt cơ hội thị trường đẩy mạnh khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sáu tháng cuối năm và cả năm 2022 ở mức cao nhất.

Transerco cũng triển khai dự án đầu tư đổi mới phương tiện sử dụng trên 10 năm và nghiên cứu loại hình phương tiện phục vụ các tuyến mở mới phù hợp với đặc thù của tuyến và đảm bảo hiệu quả khai thác; chuẩn bị về vận hành phương tiện sử dụng năng lượng sạch để sẵn sàng triển khai khi đủ điều kiện.

Ngoài ra, Transerco sẽ đề xuất kịp thời với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc khắc phục, xử lý kịp thời các phát sinh trong quá trình vận hành, tạo thuận tiện cho hành khách đi lại, đặc biệt là các giải pháp về điều chỉnh biểu đồ chạy xe, điều chỉnh lộ trình các tuyến tránh khu vực ùn tắc và nghiên cứu mở rộng vùng phục vụ đến các khu vực có nhu cầu đi lại…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục