Tang lễ cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il ngày 28 và 29-12 đã hé lộ đôi chút về "khẩu vị" xe hơi của giới lãnh đạo cấp cao nước này. Thi hài ông được chở trong một chiếc limousine Lincoln Continental loại dành cho nguyên thủ, mà giá thấp nhất cũng là 200.000 USD. Ngoài ra, trong tang lễ còn hàng loạt xe đủ loại, từ những chiếc xe quân sự bán tải đến ít nhất một chiếc limousine Mercedes-Benz 600 Pullman, cũng có giá không dưới 200.000 USD. Chiếc quan tài được quấn một lá cờ của Đảng Lao động Triều Tiên và mặc dù truyền hình nhà nước không xác định rõ đời xe, đó có thể là mẫu Lincon Continental 1976. Cũng không rõ chiếc xe đã tới được Triều Tiên như thế nào, với tin đồn đoán là nó được mua qua thị trường chợ đen ở Mỹ do chính quyền Washington ban hành lệnh cấm vận gần như toàn diện với Triều Tiên. Một chiếc Lincoln Continental thứ hai thì chở bức ảnh bán thân khổng lồ của ông Kim. Mạng tin chuyên về xe hơi Carbuzz nói chiếc xe Mercedes-Benz 600 Pullman không khác gì “một cỗ máy giáp thép” và là chiếc vẫn đưa đón ông Kim Jong Il hàng ngày. Năm 2010, Triều Tiên nhập khẩu khoảng 3,1 triệu USD xe hơi từ châu Âu qua đường Trung Quốc. Cầu lưu ý rằng giá ngô thế giới hiện là 250 USD một tấn. Còn mẫu xe Lincoln trong đám tang là loại rất sang trọng. Giới thiệu của nhà chế tạo Ford về nhãn xe này khẳng định Lincoln là “xe của những tổng thống”. “Những chiếc Lincoln thường xuyên được phục vụ làm phương tiện đi lại chính thức của các tổng thống Mỹ, ở Mỹ cũng như khi công du thế giới”, công ty Ford quảng cáo. “Lincoln là thương hiệu đã gắn liền với không ít những nhân vật quyền lực và quan trọng nhất thế giới, trong những hình ảnh sẽ sống mãi trong nhiều thập kỷ sau đó.” Theo hãng Ford, Calvin Coolidge là tổng thống Mỹ đầu tiên đi xe Lincoln, vào giữa những năm 1920. Chiếc xe Lincoln nổi tiếng nhất có lẽ là chiếc Lincoln Continental 1961 chở cố tổng thống John F. Kennedy, bị ám sát khi đang ngồi trên xe ở Dallas. Mẫu Lincoln gần nhất phục vụ ở Nhà Trắng là mẫu 1989, mẫu xe đã đưa tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) đến lễ nhậm chức. Chính quyền Triều Tiên trước giờ vẫn coi Mỹ là một nước đế quốc đầu sỏ đã áp đặt ách cai trị lên Hàn Quốc. Trong một phát hiện khác ở tang lễ, đài truyền hình Mỹ ABC cho rằng đã có sự can thiệp của photoshop trong những bức hình mà hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA công bố về buổi tiễn đưa di hài ông Kim Jong Il qua trung tâm Bình Nhưỡng. Theo đó, hàng ngũ của quân đội diễu hành được đảm bảo thẳng tắp nhờ vào công nghệ chỉnh sửa hình ảnh này mỗi khi có ai đó đi lộn xộn hoặc ra khỏi hàng. Bằng chứng ABC đưa ra là một bức ảnh của KCNA do hãng tin EPA có trụ sở tại Đức phát đi có khác biệt nhỏ so với một bức ảnh chụp cùng thời điểm đó của hãng tin Nhật Bản Kyodo News. Bức ảnh của Kyodo cho thấy có khoảng năm-sáu người đàn ông ở rìa bên trái đứng với một máy quay phim sau hàng duyệt binh, nhưng trong bức ảnh của KCNA, những người này và máy quay của họ đã bị xóa mất, trả lại trật tự tuyệt đối cho hàng người. Khi đăng tải bức ảnh, EPA cũng đã cảnh báo các khách hàng của họ là ảnh có thể bị chỉnh sửa và bản thân hãng tin sẽ không sử dụng bức ảnh này. Một người phát ngôn của EPA nói: “Bất cứ hình thức can thiệp bằng kỹ thuật số nào đều vi phạm quy chuẩn nghề nghiệp của EPA”./. Hình ảnh về những chiếc siêu xe tại tang lễ ông Kim Jong Il:
Hải Minh (Vietnam+)