Xín Mần: Thay đổi diện mạo mới nhờ chữ “tâm”

Từ một huyện nghèo nhất của cả nước, đến thời điểm này nhiều gia đình ở huyện Xín Mần đã có của ăn của để, đời sống khấm khá hơn.
Một ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, chúng tôi có chuyến công tác đến huyện Xín Mần thuộc tỉnh Hà Giang. Đường từ huyện Bắc Quang đến Xín Mần chỉ chưa đầy 100 cây số nhưng chủ yếu là đường cua tay áo, một bên là vách đá, một bên là vực sâu, có đoạn xe chúng tôi chỉ chạy được 20 km/h…

Dọc hai bên đường có rất ít nhà, có khi cả vài chục cây số mới thấy một nóc nhà tranh tre, nứa lá sơ sài nằm chênh vênh trên sườn đồi, thỉnh thoảng lại bắt gặp những tốp bà con dân tộc chân đi đất gùi những bó củi nặng trên vai...

Lên đây mới thấy bà con đi lại cực kỳ vất vả và công cuộc mưu sinh cũng vất vả không kém. Tuy nhiên lãnh đạo huyện và nhiều người dân tại đây lại cho biết, đời sống của bà con giờ đã khấm khá hơn 3-4 năm trước rất nhiều, nhiều nhà đã có của ăn của để.

Theo ông Dương Minh Hòa, Bí thư Huyện ủy, năm qua, Xín Mần đạt tốc độ tăng trưởng 13%, tổng sản phẩm xã hội đạt 520 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt 27 tỷ đồng. Từ hơn 70% tỷ lệ hộ nghèo của mấy năm trước nhưng đến nay chỉ còn 46%, đây là một nỗ lực rất lớn của bà con cũng như chính quyền địa phương nơi đây.

Ông Hòa cho biết: “Để có được kết quả ngày hôm nay, chúng tôi không thể không nhắc đến sự giúp đỡ nhiệt tình và đầy tâm huyết của Công ty cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPosBank). Họ đã đầu tư 1 cây cầu trị giá 20 tỷ để người dân đi lại được thuận tiện; xây 3 trường học từ mầm non đến phổ thông trung học đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt là họ đã đưa giống và kỹ thuật trồng ngô mới lên cho bà con, chính vì vậy sản lượng ngô đã tăng lên rất nhiều.

Thật là trùng hợp, vào đúng thời điểm chúng tôi có mặt tại Hà Giang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang cùng đoàn công tác lên chúc Tết bà con và bộ đội biên phòng. Tình cảm sâu đậm của người đứng đầu Nhà nước dành cho mảnh đất chót cùng Tổ Quốc càng làm cho chúng tôi thêm ấm lòng.

Đây không phải là lần đầu tiên Chủ tịch nước lên thăm Xín Mần. Cuối năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, trong đó có Xín Mần nhưng thời điểm đó không có một doanh nghiệp nào đứng ra nhận đầu tư cho huyện nghèo này. Năm 2009, theo gợi ý của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi đó đang là Thường trực Ban Bí thư, huyện nghèo Xín Mần đã được hai đơn vị doanh nghiệp ngoài quốc doanh là Công ty Him Lam và LienVietPostBank nhận "đỡ đầu". Kể từ đó, đồng chí Trương Tấn Sang đã vài lần trở lại Xín Mần để tìm hiểu, thăm hỏi, động viên đồng bào nơi đây vượt qua nghèo khó bằng những cách làm mới.

Tới thăm và tặng quà cho người nghèo thôn Nà Giàng, xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần dịp giáp Tết Quý Tỵ, Chủ tịch nước bồi hồi nhắc lại kỷ niệm khi lần đầu tới Xín Mần: “Khi đó, tôi đã nhắc lãnh đạo địa phương tránh tổ chức rình rang, nhất là không được huy động người dân ra đón. Thế nhưng, khi đến vẫn thấy người dân kéo tới đông nghịt. Hỏi ra mới biết ít khi có lãnh đạo cấp cao ở Trung ương về thăm nên đồng bào rất hào hứng tới để… nhìn mặt!”.

Lần này cũng vậy, mặc dù trời đã tối, nhưng rất nhiều bà con vẫn tập trung hai bên đường để được nhìn thấy Chủ tịch nước. Cảm động trước tình cảm của bà con, Chủ tịch nước đã dành nhiều thời gian thăm hỏi, tìm hiểu tình hình ăn ở, sản xuất của người dân và biết rằng họ còn đang rất nghèo khó.

Gia đình ông Phạm Văn Thón, thôn Phiêng Lang xã Khuôn Lùng được tặng một con trâu cảm động nói: “Tôi rất vui khi được Chủ tịch nước trao tặng món quà đầy ý nghĩa này, đây là một tài sản vô cùng lớn đối với cả gia đình, tôi xin hứa sẽ chăm sóc thật tốt để năm sau số trâu này sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba.”
 
Chủ tịch nước cũng khá vui mừng khi chứng kiến những đổi thay bước đầu ở mảnh đất biên cương heo hút này. Chính vì thế, Chủ tịch nước đánh giá cao cách hỗ trợ thiết thực của Him Lam và LienVietPostBank cho Xín Mần. Không dừng lại ở việc giúp đỡ huyện nghèo bằng việc mua xe, xây trường học như thường thấy, các đơn vị nhận "đỡ đầu" huyện Xín Mần còn lập một công ty giúp địa phương tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm, để có hướng xóa nghèo bền vững. Đó chính là Công ty cổ phần phát triển Xín Mần, doanh nghiệp vinh dự được Chủ tịch nước tới làm việc trong chuyến công tác tới huyện nghèo này.

TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho biết, đề án hỗ trợ giảm nghèo cho Xín Mần được nhà tài trợ thực hiện theo công thức 5-3-2 tức là “cứ đầu tư 100 đồng thì 50% chi phí vào con người (giáo dục đào tạo), 30% vào phát triển kinh doanh và 20% vào phát triển hạ tầng” vì con người là quyết định và chi phí hạ tầng là rất lớn nên phải thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Toàn bộ lợi nhuận được để lại Xín Mần chứ không mang ra ngoài.

Tính đến nay, Him Lam và LienVietPostBank đã tài trợ, đầu tư 88,12 tỷ đồng; trong đó tài trợ là 64,2 tỷ đồng, vượt 9,45 tỷ đồng so với cam kết ban đầu (54,75 tỷ đồng).

Đặc biệt, sau 3 năm, các cán bộ của Công ty Xín Mần đã hỗ trợ kỹ thuật và giống ngô cho 1.000 hộ dân với diện tích khoảng 500 ha đã đem lại hiệu quả rõ rệt, năng suất ngô trung bình đạt 6 tấn/ha (gấp 2 lần năng suất ngô thường), lợi nhuận đạt trên 22 triệu đồng/ha.

Gia đình ông Giàng Seo Sìn ở thôn Súng Sản, thị trấn Cốc Pài cho biết, trước đây, người Mông trong thôn chỉ trồng ngô giống địa phương, nên sản lượng không cao. Mấy năm qua Công ty Xín Mần đã đầu tư giống và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trồng giống ngô mới nên năng suất tăng gấp đôi. Ông Sìn phấn khởi nói: 'Tất cả sản phẩm đều được công ty thu mua hết với giá cao hơn thị trường, bà con yên cái bụng lắm. Tết này tôi sẽ mổ lợn để ăn mừng.”

Từ thành công của Công ty Xín Mần, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh bày tỏ mong muốn được nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh. Tuy nhiên, ông Vinh thừa nhận rằng đây không phải là điều dễ dàng bởi nhiều nhà tài trợ chỉ đáp ứng nguồn vốn hỗ trợ, chứ không quá mặn mà và thực sự vào cuộc được như Him Lam và LienVietPostBank.

Tạm biệt Hà Giang, tạm biệt Xín Mần, chúng tôi trở về với Hà Nội ồn ào, tất bật nhưng vẫn mong ngày trở lại với nhiều đổi mới tốt đẹp hơn. Trong mỗi chúng tôi, hành trình trở về đều mang theo niềm vui, niềm hy vọng về sự đầm ấm, no đủ trong một tương lai không xa của đồng bào nghèo, nơi biên cương của Tổ quốc./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục