Tuần này, mã ITA bất ngờ dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HoSE, đạt 53 triệu đơn vị. Cổ phiếu FLC lùi về phía sau với khối lượng giao dịch 50 triệu đơn vị và các mã khác của top 5 là OGC, HHS, SAM.
Bên sàn HNX, cổ phiếu HKB từ vị trí thứ hai ở tuần trước vươn lên dẫn đầu trong tuần này, khối lượng giao dịch đạt 24 triệu đơn vị. Theo sau là mã SHB, khối lượng giao dịch 21 triệu đơn vị và các mã khác trong top 5 là PVX, SCR, VCG.
Các thông tin vĩ mô tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong tuần phải kể đến các công bố con số từ Tổng cục Thống kê, cụ thể vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách ước đạt 205.000 tỷ đồng trong 10 tháng và bằng 78,6% kế hoạch năm, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2015.
Ngoài ra một thông tin đáng chú ý khác, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Bằng cho biết, sắp tới luật chứng khoán thế hệ mới sẽ được ban hành để tháo gỡ triệt để vướng mắc về tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài, do trước đây việc nới tỷ lệ room nước ngoài lên 100% bị vướng Luật Đầu tư, bởi rất nhiều doanh nghiệp khi nới room lên trên 51% sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài.
Quay trở lại diễn biến thị trường, sàn HoSE đã có tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp, cùng với đó thanh khoản tiếp tục suy giảm.
Cụ thể, VN-Index có 3 phiên giảm điểm đầu tuần và sau đó là 2 phiên kết tuần hồi phục. Song tính chung trong cả tuần, VN-Index giảm nhẹ 2,58 điểm (-0,38%), xuống mức 682,25 điểm.
Bên cạnh đó, HNX-Index giảm điểm khá mạnh, với 1,16 điểm (-1,36%), về mức 83,04 điểm.
Tính thanh khoản trên 2 sàn giao dịch cùng sụt giảm so với tuần trước đó. Trên HoSE, thanh khoản giảm 34,9%, với giá trị đạt 10.060 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 13,6% xuống 564 triệu cổ phiếu/tuần.
Trên HNX, thanh khoản cả tuần giảm 14,2%, với giá trị đạt 1.927 tỷ đồng, tương ứng giảm 15,7% về khối lượng, giao dịch 192 triệu cổ phiếu/tuần.
Trong tuần, thị trường chứng kiến sự tăng giá của số ít các nhóm ngành, như nhóm công nghiệp tăng 0,48%, nhóm công nghệ thông tin tăng 0,65%. Ở chiều ngược lại, rất nhiều các nhóm ngành giảm giá, tiêu biểu là ngành dầu khí giảm 2,88%, ngành dịch vụ tiêu dùng giảm 1,85%.
Trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị 70,2 tỷ đồng, khối lượng 5 triệu cổ phiếu.
Xét theo khối lượng giao dịch, họ mua mạnh nhất là mã HPG, đạt 2 triệu đơn vị, kế đến các mã CII, PVD, VNS, PPC.
Chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng nhiều nhất là mã HHS với 3 triệu đơn vị và sau đến là DXG khối lượng 2 đơn vị.
Tại sàn HNX, khối ngoại mua ròng với giá trị 26,8 tỷ đồng, với khối lượng 2 triệu cổ phiếu.
Cụ thể, mã PVS được nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua nhiều nhất là mã PVS, đạt 1 triệu đơn vị, tiếp theo là các mã HUT, VIX, KVC, BVS.
Ngoài ra, họ bán ròng nhiều nhất tại mã IVS với 490.400 đơn vị, sau đến các mã VKC, VGS, SHB, SHN.
Thị trường đã trải qua 2 tuần giao dịch điều chỉnh giảm điểm và thanh khoản đi xuống đồng thời dòng tiền hướng về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Theo đánh giá từ khối chuyên môn, trong ngắn hạn, lực cầu trên thị trường chưa có dấu hiệu đủ lực để có sự bứt phá, bên cạnh đó nguồn cung cổ phiếu trong tuần này cũng chưa mạnh.
Do đó họ cho rằng, nhiều khả năng trong tuần tới, xu hướng của hai chỉ số vẫn chủ yếu tích lũy đi ngang, với ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật gần nhất tại 675 điểm của VN-Index và 82,4 điểm với HNX-Index. Bên cạnh đó, kháng cự gần nhất của VN-Index là 685 điểm và 84,1 điểm của HNX-Index.
Một số chuyên gia cho rằng, xu hướng trong dài hạn của cả hai chỉ số vẫn duy trì ở mức tích cực. Do vậy, nhà đầu tư ngắn hạn trong giai đoạn này nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải. Song, nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và theo dõi diễn biến thị trường trong tuần tới, đặc biệt tại những mức hỗ trợ và kháng cự.
Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.