Xu hướng mới trong ngành công nghiệp làm đẹp trong mùa dịch COVID-19

Ngành kinh doanh mỹ phẩm cũng đang dần thích nghi với những hạn chế do lệnh phong tỏa xã hội như cung cấp dịch vụ trải nghiệm từ xa và phát triển các sản phẩm làm đẹp tại nhà.
Ngành kinh doanh mỹ phẩm cũng đang dần thích nghi với tình hình dịch COVID-19. (Nguồn:
Ngành kinh doanh mỹ phẩm cũng đang dần thích nghi với tình hình dịch COVID-19. (Nguồn:

Ngành công nghiệp làm đẹp đang chứng kiến những thay đổi lớn trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19, giữa lúc các thương hiệu nhỏ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để thách thức những “người chơi” lớn hơn và các “đại gia”của lĩnh vực này trong cuộc đua chiếm thị phần tại các trung tâm thương mại.

Sự nổi lên của những thương hiệu nhỏ

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các cửa hàng mỹ phẩm nổi danh như Ulta và Sephora đã chiếm phần lớn thị phần kinh doanh sản phẩm làm đẹp tại các trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, khi các cửa hàng này mở cửa trở lại sau một thời gian chính phủ nhiều nước áp đặt lệnh phong tỏa, hoạt động của họ bị hạn chế và khách hàng không thể dùng thử sản phẩm do quan ngại về sự lây lan dịch bệnh.

Bởi vậy, các thương hiệu mỹ phẩm đang có xu hướng chuyển sang các mô hình bán hàng trực tuyến và các công ty nhỏ hơn bắt đầu bán hàng qua trang mạng xã hội Facebook.

Hiện tại, ngành kinh doanh mỹ phẩm cũng đang dần thích nghi với những hạn chế do các nước đưa ra sau khi lệnh phong tỏa xã hội được dỡ bỏ, cụ thể như khách hàng không được dùng các mẫu thử và số lượng người được phép vào mua sắm trong cùng thời điểm tại mỗi cửa hàng đều bị giới hạn.

Người sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo của công ty Norfolk Natural Living có trụ sở tại Anh, bà Bella Middleto, cho biết việc mua các sản phẩm chăm sóc da phải là một quá trình đòi hỏi có sự tương tác, khi khách hàng được thử và ngửi sản phẩm trực tiếp.

Tuy nhiên, khi lệnh phong tỏa xã hội được Mỹ áp đặt vào tháng 3/2020, bà Middleton đã chuyển sang cung cấp dịch vụ trải nghiệm từ xa, nghĩa là gửi tới khách hàng mẫu thử miễn phí, viết lại mô tả về sản phẩm và cải thiện giao diện để khuyến khích khách hàng mua hàng trực tuyến.

[Các nhà mốt nổi tiếng lấn sân lĩnh vực sản xuất đồ bảo hộ y tế]

Việc này đã thu hút nhiều khách hàng ghé thăm trang web của Norfolk Natural Living và thương hiệu này đã có thêm nhiều khách hàng hơn khi gửi tặng người mua hàng online những mẫu thử để trực tiếp trải nghiệm sản phẩm.

Norfolk Natural Living chỉ là một ví dụ, nhưng nó là một phần của ngành công nghiệp tạo ra doanh thu 500 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2019.

Ngay cả trong cuộc suy thoái kinh tế 2008-2009, doanh thu bán mỹ phẩm trên toàn cầu vẫn tăng 3,2%, song cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể khác.

Mặc dù việc kinh doanh các sản phẩm làm đẹp vẫn đang được thực hiện trực tuyến, nhưng không chắc nó có thể bù đắp cho những cửa hàng truyền thống bị đóng cửa do đại dịch.

Doanh nhân Rebecca Saunders bán sản phẩm từ hơn 50 thương hiệu mỹ phẩm thông qua trang web Seekology của mình, nhưng đã phải cho ngừng hoạt động cửa hàng tại London vào tháng 3/2020.

Xu hướng mới trong ngành công nghiệp làm đẹp trong mùa dịch COVID-19 ảnh 1Seekology phải chuyển sang hình thức kinh doanh trực tuyến. (Nguồn: Seekology)

Công ty Seekology đã chuyển từ một nhà bán lẻ truyền thống thành một kênh bán hàng trực tuyến 100%, và điều này có nghĩa là công ty đang đối mặt với một thách thức lớn về doanh thu.

Cửa hàng truyền thống vốn là kênh tiếp thị chính của thương hiệu Seekology, nơi Saunders tổ chức các sự kiện và cô không mong đợi cửa hàng này có thể mở cửa trở lại trong ít nhất vài tháng tới, khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt.

Xu hướng cung cấp dịch vụ trải nghiệm sản phẩm từ xa cũng xuất hiện trong báo cáo của hãng tư vấn bán lẻ Stellar.

Cuộc khảo sát do Stellar thực hiện với 300 người tiêu dùng trực tuyến ở Anh vào tháng 3/2020 cho thấy, 85% khách hàng sẵn sàng mua một sản phẩm ngay sau khi họ được trải nghiệm trực tiếp sản phẩm đó.

Việc mua hàng trực tuyến đã mang lại những thay đổi lớn cho ngành công nghiệp làm đẹp và cục diện của ngành bán lẻ.

Tuy nhiên, các thương hiệu mỹ phẩm và các nhà bán lẻ gần như chưa kịp chuẩn bị gì cho sự thay đổi chưa từng thấy trong thói quen tiêu dùng do tác động của đại dịch COVID-19.

Xu hướng làm đẹp tại nhà

Tự làm đẹp (DIY) cũng là một xu hướng khá phổ biến. Trong giai đoạn 2001-2010, 18% các hãng mỹ phẩm của Mỹ ra mắt các sản phẩm làm đẹp cá nhân theo phong các chuyên nghiệp nhưng người dùng có thể tự thao tác tại nhà.

Chẳng hạn, sản phẩm chăm sóc da Olay’s Professional Pro-X ra mắt vào năm 2010 là một trong những sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa phi thực phẩm đã ghi nhận doanh thu gần 50 triệu USD từ tất cả các nhà bán lẻ của Mỹ (không tính Walmart) trong năm đầu tiên.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các ứng dụng truyền phát trực tuyến để hướng dẫn khách hàng các bước chăm sóc da và tự trang điểm cũng được nhiều công ty thực hiện.

Theo Lucy Hawkes, Giám đốc thương mại của công ty tư vấn OMG Transact, sự trỗi dậy của ngành công nghiệp chăm sóc sắc đẹp trực tuyến có thể là khởi đầu cho một tương lai đầy thú vị của các thương hiệu mỹ phẩm.

Các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc ít hơn vào các cửa hàng truyền thống tại trung tâm thương mại và chịu ảnh hưởng lớn hơn bởi các trang web của riêng họ, cũng như các kênh bán hàng trên Facebook hoặc Instagram.

Điều quan trọng là họ cần phải mở rộng trải nghiệm mua sắm của khách hàng, qua đó thúc đẩy hơn nữa hoạt động mua sắm trực tuyến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục