​Xử lý dứt điểm vi phạm lấn chiếm bãi triều để nuôi trồng thủy sản

Xã Vĩnh Trung (Móng Cái, Quảng Ninh) đã hoàn thiện hồ sơ đối với 85/102 trường hợp vi phạm với diện tích hơn 90 ha; trong đó lập biên bản kiểm tra hiện trạng...
​Xử lý dứt điểm vi phạm lấn chiếm bãi triều để nuôi trồng thủy sản ảnh 1Các bè nuôi trái phép. (Ảnh: TTXVN phát)

Trên địa bàn xã Vĩnh Trung, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) hiện có hơn 100 hộ dân lấn chiếm khoảng 150 ha bãi triều để nuôi trồng thủy sản trái phép. Điều này vừa gây nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, vừa gây cản trở luồng lạch giao thông đường thủy.

Người dân đã tự ý đổ cát, cắm cọc, quây bãi triều để nuôi trồng thủy sản trái phép, ngoài quy hoạch. Tình trạng này diễn ra ở các khu vực bãi triều Vụng Dầm, Cống Cách, bãi Tùng, bãi Đai, Núi Lẻ, Núi Am, bãi Cái, Núi Lở, Núi Mõm Kìm, bãi Chương, bãi Cồn Trâu, hòn Thỏ... Thậm chí, những người lấn chiếm bãi triều còn ngăn cản, không cho các hộ dân khác khai thác tự nhiên.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Trung, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, chính quyền xã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập tổ công tác, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trên.

Cụ thể, đến nay xã đã hoàn thiện hồ sơ đối với 85/102 trường hợp vi phạm với diện tích hơn 90 ha; trong đó lập biên bản kiểm tra hiện trạng và thống kê quy mô diện tích nuôi trái phép; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đối với 17 trường hợp vi phạm còn lại để sớm xử lý dứt điểm.

Riêng đối với 15 hộ nuôi cá lồng bè khu vực Cống Cách, thành phố Móng Cái đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và có thông báo yêu cầu các hộ nuôi di chuyển đến khu vực được quy hoạch nuôi tại Hòn Sơn, xã Vạn Ninh.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Trung, những năm 2007-2012, Ủy ban Nhân dân xã ký hợp đồng với các hộ dân khoanh nuôi thủy sản tại khu vực Cống Cách và một số khu vực bãi triều khác. Sau khi hết thời gian hợp đồng, xã chưa thanh lý hợp đồng đối với các hộ này, thì từ năm 2015 đến nay người dân trong xã đã ồ ạt chiếm bãi, khoanh nuôi trái phép.

Nếu năm 2012 cả xã chỉ có một vài hộ tại địa phương lấn chiếm bãi triều thì đến năm 2015 rất nhiều hộ dân đã đổ xô ra đổ cát, cắm cọc, lấn chiếm bãi triều. Đến nay thì gần như diện tích bãi triều trên địa bàn xã không còn chỗ trống nào.

[Xử lý dứt điểm 8 cơ sở nuôi thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long]

Tình trạng lấn chiếm bãi triều chưa có dấu hiệu dừng lại. Số hộ chiếm bãi đang ngày càng tăng nhanh nếu không có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương ngăn chặn hành vi vi phạm này.

Tháng 3 và tháng 4/2023 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã phải ra quân đồng loạt xử lý sự cố ô nhiễm môi trường biển từ những rác thải, phao xốp của các bè nuôi trồng thủy sản trái phép không nằm trong vùng quy hoạch ở các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên.

​Xử lý dứt điểm vi phạm lấn chiếm bãi triều để nuôi trồng thủy sản ảnh 2Người dân tự ý đổ cát tại các bãi triều để nuôi trồng thủy sản trái phép. (Ảnh: TTXVN phát)

Phao xốp và rác thải của các bề nuôi trồng thủy sản tràn ngập trên Di sản - Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long và vịnh bái Tử Long, làm ảnh hưởng tới môi trường biển cũng như hình ảnh về một thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế xanh, sạch, đẹp.

Trung tâm Di sản thế giới (thuộc UNESCO) và Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản gửi quốc gia thành viên Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh phản hồi về hiện trạng bảo tồn Di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long; trong đó, gửi kèm thư của khách du lịch quốc tế phản ánh tình trạng rác thải trôi nổi quá nhiều trên vịnh làm ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm của họ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc quyết liệt và đặc biệt đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc xử lý dứt điểm sự cố môi trường biển nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục