Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm kích thước thùng hàng, tải trọng từ ngày 1/8 đến 31/10/2014 đối với 36 địa phương trên cả nước.
Cụ thể, các đoàn thanh tra thuộc các Cục Quản lý đường bộ đã tiến hành thanh tra tại 741/2.858 doanh nghiệp, dự án có sử dụng xe ôtô tự đổ của 36 địa phương đã được kiểm tra, trong đó, đã phát hiện được 958 xe vi phạm kích thước thùng chở hàng; xử lý cắt thùng trực tiếp đối với 275 xe; yêu cầu lái xe, chủ xe, doanh nghiệp, nhà thầu, ban quản lý dự án cam kết khắc phục đối với 540 trường hợp và tạm giữ các giấy tờ liên quan đối với 16 trường hợp, giữ tem kiểm định của 183 xe.
Sau ba tháng triển khai, thực hiện, theo báo cáo đánh giá của Tổng cục Đường bộ, các đoàn thanh tra đã tích cực thực hiện Quyết định thanh tra về kích thước giới hạn thùng chở hàng xe ôtô tải tự đổ, triển khai đúng kế hoạch và tiến độ đã đề ra, bước đầu đã đạt được kết quả khả quan.
Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ cũng chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm khi nhiều lái xe, chủ xe vi phạm cố tình không hợp tác, che giấu, chống đối, đóng cửa bỏ đi, không xuất trình giấy tờ xe đã gây khó khăn cho đoàn thanh tra.
“Đặc biệt, việc kiểm tra nhiều xe ôtô không có tem kiểm định và các giấy tờ liên quan của xe do đã bị lực lượng Công an tạm giữ để xử lý vi phạm nên đoàn thanh tra gặp khó khăn trong việc xử lý vi phạm. Công tác phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan Công an tại một số địa phương còn hạn chế,” báo cáo Tổng cục Đường bộ nêu rõ.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay, nhiều tỉnh thành đang có tình trạng các xe ôtô tải thùng tự đổ và xe xitéc tự ý thay cơi nới kích thước thùng trong 2 kỳ đăng kiểm để chở hàng quá tải trọng. Đây là nguyên nhân chính làm hư hỏng hệ thống cầu, đường; gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông và sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải, gây bức xúc trong xã hội.
Một thực tế tồn tại đáng chú ý được ông Cường chỉ ra rằng, các cơ quan đăng kiểm chưa kiểm soát được những xe này giữa 2 kỳ đăng kiểm do khi vào “khám” xe thì các phương tiện này lắp thùng đúng quy định nhưng đăng kiểm xong lại thay thùng khác.
"Nếu xe vi phạm lần đầu đề nghị đơn vị đăng kiểm thu hồi có thời hạn Tem và Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đồng thời yêu cầu phải khắc phục, cắt phần kích thước thùng hàng cơi nới trái phép của xe đúng với quy định. Đối với chủ phương tiện vi phạm lần thứ hai trở đi, đề nghị đơn vị đăng kiểm thu hồi Tem và giấy kiểm định," ông Cường đề ra biện pháp cứng rắn.
Trước đó, tại hội nghị triển khai kế hoạch xử lý hành vi thay đổi kích thước thùng chở hàng trái phép đối với xe ôtô tải tự đổ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định, để làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe thì nhất thiết phải xử lý nghiêm hành vi tự thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ôtô tải tự đổ. Các lực lượng được phân công làm nhiệm vụ thanh tra khi đã vào cuộc là gắn trách nhiệm, không được bao che cho những hành vi vi phạm, tránh để tình trạng không làm việc hết mình và công tư không phân minh.
“Về mặt chế tài xử phạt xe tự ý cơi nới kích cỡ thùng hàng theo Nghị định 171 với mức phạt khá cao, chủ xe là cá nhân vi phạm phạt từ 4-6 triệu đồng; chủ xe là doanh nghiệp vi phạm xử phạt từ 12-18 triệu đồng. Nếu chúng ta thực hiện xử phạt nghiêm, quản lý chặt thì chẳng còn ai dám cơi nới, chở quá tải nữa. Gậy trong tay đã được trang bị đầy đủ, chúng ta mà làm không được nữa thì có tội với dân,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ bày tỏ./.
Theo số liệu thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 40.000/62.000 xe ôtô tải tự đổ đã thay đổi kích thước thùng chở hàng với mục đích chở quá tải trọng.