Xử lý xe thay đổi thùng hàng: “Nhổ tận gốc" việc chở quá tải

Bộ Giao thông Vận tải sẽ ra quân xử lý vi phạm kích thước thùng chở hàng của xe ôtô tải tự đổ với mục đích giải quyết tận gốc vấn nạn xe quá tải vẫn đang chạy trên đường.
Xử lý xe thay đổi thùng hàng: “Nhổ tận gốc" việc chở quá tải ảnh 1Nhiều xe đã tự ý thay đổi kích cỡ thùng hàng để chở quá tải trọng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhằm xử lý triệt để việc ôtô tải tự cơi nới thùng xe trái phép để chở quá tải đang phổ biến tại các địa phương, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết Bộ sẽ thành lập 8 đoàn thanh kiểm tra từ 15/7. Đợt ra quân lần này không phải là chiến dịch mà phải làm lâu dài, bền bỉ mới có thể giải quyết tận gốc vi phạm này.

“Nếu bốn Cục Quản lý đường bộ và các Sở ban ngành địa phương vào cuộc quyết liệt xử lý vi phạm kích thước thùng chở hàng của xe ôtô tự đổ thì chắc chắn sẽ có hiệu quả cao trong công tác kiểm soát tải trọng xe,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.

Trạm cân thua “xe vua” và lợi ích nhóm

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch xử lý hành vi thay đổi kích thước thùng chở hàng trái phép đối với xe ôtô tải tự đổ, hoán cải tăng số gường nằm với xe khách của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào sáng nay (15/7), Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, việc xử lý hành vi thay đổi kích thước thùng chở hàng trái phép đối với xe ôtô tải là bước đi tiếp theo trong siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe theo chủ đề năm 2014.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, cả nước có hơn 3.000 thanh tra giao thông vận tải nhưng vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm trong việc kiểm soát xe quá tải. Đến nay, qua hơn một năm phối hợp với Bộ Công an để thành lập các trạm cân, tình trạng vi phạm xe quá tải vẫn còn và chỉ giải quyết được phần ngọn.

“Dù có nhiều trạm cân nhưng thực tế xe quá tải đi ‘lọt’ qua mấy tỉnh mới bị xử lý vi phạm. Chúng ta cũng chỉ biết kêu và đổ lỗi cho doanh nghiệp cho địa phương mà không tự hỏi mình đã làm gì để ngăn chặn và đã thực sự vào cuộc quyết liệt hay chưa? Dường như chúng ta vẫn còn vô cảm với việc kết cấu đường sá bị phá hoại vì xe quá tải,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ đưa ra câu hỏi.

Dẫn chứng cho vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đưa ra trường hợp đoàn “xe vua” chở gỗ từ Lào về nước ta vẫn ngang nhiên tung hoành đi lại trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Huế mà không bị lực lượng chức năng xử lý.

Gay gắt hơn về thực trạng hoạt động kiểm soát xe quá tải của các trạm cân, Thứ trưởng Lê Đình Thọ thẳng thắn nói, trạm cân nào mà làm theo hình thức thì nên làm văn bản xin thôi!

Tham luận tại hội nghị, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Giang phản ánh thực tế, xe tải tự đổ chở nguyên vật liệu vẫn rầm rập chạy trên đường nhưng lực lượng chức năng địa phương khó xử lý. Thậm chí, “xe vua” ở không ít tỉnh chính là lợi ích nhóm nên việc xử lý gặp không ít khó khăn.

“Nhiều chủ xe, doanh nghiệp chở quá tải không ‘sợ’ Sở Giao thông Vận tải tỉnh, có xe khi bị chúng tôi dừng lại kiểm tra còn công khai phản đối và sau đó chỉ một cuộc điện thoại là xe lại được phép chạy. Vì vậy, Sở mong muốn Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào cuộc xử lý tình trạng xe quá tải, cơi nới trên địa bàn”, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Giang kiến nghị.

Theo số liệu thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 40.000/62.000 xe ôtô tải tự đổ đã thay đổi kích thước thùng chở hàng với mục đích chở quá tải trọng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ôtô Việt Nam bức xúc, nhiều phương tiện này ở địa phương được ví như “xe vua”, lực lượng chức năng địa phương gần như rất khó xử lý vì động chạm lợi ích nhóm.

“Nhổ tận gốc" xe quá tải trọng

Bên cạnh việc siết tải trọng xe, tại hội nghị, đại diện các cơ quan ban ngành và Hiệp hội vận tải đều đồng tình việc quyết liệt “khai tử” vi phạm xe cơi nới thùng hàng để chở quá tải là việc làm cần thiết để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đồng thời là biện pháp căn cơ giải quyết được phần thân và gốc rễ của thực trạng chở quá tải trên nhiều tuyến đường.

Nhằm quyết liệt ngăn chặn và có kế hoạch hành động xử lý xe cơi nới thùng hàng chở quá tải, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thành lập 8 đoàn thanh kiểm tra tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kích thước giới hạn thùng chở hàng ôtô tải tự đổ và các biện pháp ngăn chặn ôtô chở quá tải tham gia thi công các dự án công trình giao thông tại 31 tỉnh thành trong cả nước.

Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện yêu cầu các đoàn thanh tra thực hiện nghiêm các quy định xử lý vi phạm.

“Đối với xe vi phạm lần đầu, đơn vị Đăng kiểm phải thu hồi Tem và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, yêu cầu doanh nhiệp phải khắc phục, cắt giảm kích thước thùng hàng của xe phù hợp với quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Đối với chủ phương tiện vi phạm lần thứ hai trở đi, đề nghị đơn vị đăng kiểm thu hồi Tem và giấy chứng nhận kiểm định và xử phạt theo quy định của pháp luật,” ông Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh.

Ngoài ra, sau mỗi đợt thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Đường bộ sẽ tổng hợp danh sách xe vi phạm đồng thời cung cấp cho các Ban Quản lý dự án thuộc ngành giao thông, đề nghị các chủ đầu tư, các Ban Quản lý yêu cầu nhà thầu thi công không sử dụng phương tiện chở quá tải, không ký hợp đồng với chủ phương tiện vi phạm.

Song song đó, ông Nguyễn Văn Huyện cho hay, đơn vị này sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải về giải pháp xử lý xe chở quá tải xếp hàng dài tại hai đầu trạm cân.

“Xe đỗ ở hai đầu trạm cần từ một tiếng đồng hồ trở lên sẽ cho lực lượng chức năng quay phim, chụp ảnh rồi tháo biển; kiến nghị cho sử dụng hình ảnh làm căn cứ xử phạt nguội,” ông Nguyễn Văn Huyện nói .

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, để làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe thì nhất thiết phải xử lý nghiêm hành vi tự thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ôtô tải tự đổ. Các lực lượng được phân công làm nhiệm vụ thanh tra cần phối hợp nhuần nhuyễn giải quyết tận gốc, triệt để vi phạm về cơi nới thùng. Khi đã vào cuộc là gắn trách nhiệm, không được bao che cho những hành vi vi phạm, tránh để tình trạng không làm việc hết mình và công tư không phân minh.

“Về mặt chế tài xử phạt xe tự ý cơi nới kích cỡ thùng hàng theo Nghị định 171 với mức phạt khá cao, chủ xe là cá nhân vi phạm phạt từ 4-6 triệu đồng; chủ xe là doanh nghiệp vi phạm xử phạt từ 12-18 triệu đồng. Nếu chúng ta thực hiện xử phạt nghiêm, quản lý chặt thì chẳng còn ai dám cơi nới chở quá tải nữa. Gậy trong tay đã được trang bị đầy đủ, chúng ta mà làm không được nữa thì có tội với dân,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ bày tỏ.

Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu trong quá trình thanh tra, các đoàn thanh tra tuyệt đối không được nhũng nhiễu, làm phiền doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho những doanh nghiệp chấp hành đúng quy định làm việc đồng thời phải thanh tra, kiểm tra tận gốc nguồn hàng, các cơ sở sản xuất thùng xe, các nhà thầu thi công, các nhà máy, chủ mỏ, chủ kho bãi có liên quan cũng cần được chú trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục