Chống xe quá tải: Để không là chiến dịch "đánh trống bỏ dùi"

Sau hơn 2 tháng “siết” xe quá tải, các trạm cân tải trọng xe lưu động đặt tại tỉnh vẫn chưa được cấp kinh phí để duy trì hoạt động mặc dù liên tục “chặn” xe 24/24 giờ.
Chống xe quá tải: Để không là chiến dịch "đánh trống bỏ dùi" ảnh 1Lực lượng Thanh tra giao thông kiếm tra tải trọng xe tại trạm cân lưu động. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau hơn 2 tháng “siết” xe quá tải (từ ngày 1/4), nhiều lực lượng đóng chốt ở các trạm cân tải trọng xe lưu động đặt tại các tỉnh vẫn chưa được cấp kinh phí để duy trì hoạt động mặc dù liên tục “chặn” xe 24/24 giờ. Và đến giờ, nhiều lực lượng ở trạm vẫn đang đỏ mắt chờ “rót” kinh phí để tiếp tục duy trì công việc hàng ngày, hoặc hoạt động lay lắt như thể bị.... "bỏ rơi"

Ký nợ cây xăng để duy trì trạm cân

Có mặt ở các trạm cân lưu động tại tuyến Quốc lộ 1A “nóng” về tình trạng xe quá tải dọc dải đất miền Trung, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các trạm đều hoạt động 24/24 giờ theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Thậm chí, có trạm cân tại Thanh Hóa, Nghệ An, khi cân hỏng phải chuyển đi sửa chữa, các cán bộ chiến sỹ vẫn không rời trạm.

Tại trạm cân lưu động trên Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa vào những ngày vừa qua, 21 giờ tối, trời vẫn oi nồng cái nắng của mùa Hạ, khuôn mặt đen nhẻm, nhễ nhại mồ hôi, các thành viên gồm cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông vẫn đang túc trực chống xe quá tải. Trạm cân này hoạt động 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần, chia làm ba ca với 24 cán thành viên.

Trong ánh sáng nhạt của chiếc đèn le lói ở trạm, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, trạm trưởng trạm cân Thanh Hóa Trịnh Ngọc Minh bảo, nguồn điện năng duy nhất để trạm có thể “siết” xe quá tải chính là từ chiếc máy phát điện chạy ầm ầm ngay cạnh đó.

Giải thích rõ hơn, theo ông Minh, do vị trí trạm cân không đấu nối lấy được nguồn điện cao thế chạy dọc tuyến Quốc lộ, do đó, trạm phải mua máy phát điện và tự đổ xăng vào để có thể duy trì hoạt động. Chỉ biết rằng, máy phát điện này “ngốn” tới 1,8 lít xăng/tiếng.

“Nguồn kinh phí dự toán Sở Giao thông Vận tải đề xuất 3,5 tỷ/năm để duy trì trạm theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, đến giờ, trạm mới chỉ nhận được trước mắt 200 triệu đồng. Vì vậy, chúng tôi phải chủ động ký nợ cây xăng để trạm có thể hoạt động,” ông Minh cho hay.

Theo ông Minh, lực lượng tại trạm cân đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn duy trì thường xuyên hoạt động của trạm và bước đầu đã đem lại kết quả thông qua tình trạng xe quá tải đi qua địa bàn tỉnh đã giảm. Nhiều lái xe, chủ doanh nghiệp đã có ý thức chấp hành nghiêm đúng pháp luật.

Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận, lực lượng trực tiếp vận hành trạm kiểm soát tải trọng xe còn thiếu nên hiện tại Thanh tra Sở đang phải điều động tạm thời cán bộ, thanh tra viên từ các đội để về vận hành trạm và xử lý vi phạm đã dẫn đến lực lượng mỏng, lại dàn trải trên địa bàn rộng nên hiệu quả công tác chưa cao.

“Dù được giao nhiệm vụ kiểm soát xe quá tải liên tục 3 ca/ngày nhưng đến thời điểm này, quân số tại trạm cân vẫn chưa được hỗ trợ về chế độ chính sách, kinh phí bồi dưỡng để làm nhiệm vụ nên anh em gặp nhiều khó khăn,” ông Minh phân trần.

Chống xe quá tải: Để không là chiến dịch "đánh trống bỏ dùi" ảnh 2Bắt giữ đối tượng điều khiển xe ô tô đâm vào trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động ở Hà Giang. (Ảnh: TTXVN)

Tại trạm cân số 15 đóng tại địa bàn xã Diễn An, Diễn Châu (Nghệ An), ông Phan Huy Chương, Phó Chánh Thanh tra Sở giao thông Vận tải Nghệ An cho biết, qua hơn 2 tháng đưa vào kiểm soát tải trọng xe, quân số tại trạm cũng chỉ có 21 người. Đến thời điểm này, trạm vẫn chưa được cấp một nguồn kinh phí nào để thực hiện các khoản chi về tiền lương, xăng dầu, ăn nghỉ phụ cấp làm đêm….

“Theo quy định thì kinh phí hoạt động của trạm số 15 được trích từ nguồn kinh phí Quỹ bảo trì đường bộ Nghệ An, Ban an toàn giao thông địa phương và các nguồn kinh phí khác. Thế nhưng, hiện Sở Giao thông Vận tải đã lập dự toán kinh phí hoạt động của trạm trong năm 2014 trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt nhưng vẫn chưa được cấp,” ông Chương cho hay.

“Đỏ mắt” chờ “rót” kinh phí

Theo Bộ Giao thông Vận tải, kinh phí duy trì hoạt động các trạm cân đã có cơ chế rõ ràng, được lấy từ nguồn 35% tiền Quỹ Bảo trì đường bộ hàng năm mà Bộ Giao thông Vận tải đã phân xuống các địa phương. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, nhiều tỉnh, thành vẫn chưa “rót” xuống các trạm cân.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Xuân Chi, Trạm phó trạm cân Ninh Bình cho biết, Sở đã lập dự toán kinh phí trình Ủy ban Nhân dân tỉnh để duy trì trạm cân đồng thời, anh em cũng đề nghị Sở Tài chính thẩm tra để sớm có nguồn kinh phí duy trì hoạt động, dự kiến khoảng 2,75 tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, đến giờ, Sở Tài chính vẫn chưa tiến hành thẩm tra.

“Trạm đã tạm chi 673 triệu đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh để trả lương và bảo hiểm. Anh em đi làm bình thường, trước mắt ăn uống tự bỏ tiền túi. Cơ sở vật chất phục vụ trạm cân cần thiết anh em có thể chi tạm, còn xăng dầu ứng kinh phí cơ quan. Còn nếu xe hư hỏng phải tìm nguồn kinh phí khác sửa chữa,” ông Chi chia sẻ.

Chuyện ngóng kinh phí ở Thanh Hóa cũng không “khấm khá” hơn. Ông Trịnh Ngọc Minh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa cho biết, tỉnh mới chỉ “rót” xuống 200 triệu từ kinh phí ban đầu từ Qũy Bảo trì đường bộ đã phê duyệt để duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động. Tuy nhiên, nguồn kinh phí được cấp cũng chỉ mới là… tạm ứng. Số tiền này chỉ để chi trả khoản xăng dầu đã ký nợ nên chưa thấm tháp vào đâu và hiện đang làm tờ trình xin tạm ứng thêm kinh phí.

“Nhằm triệt để xử lý xe quá tải cần làm thường xuyên, liên tục lâu dài chứ không nên làm theo kiểu chiến dịch hay mở cao điểm rồi thôi. Muốn vậy thì kinh phí cần phải sớm được giải ngân để anh em yên tâm làm việc,” ông Minh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục