Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Giao tranh lại bùng phát giữa 2 bên

Azerbaijan cho biết đã "tiêu diệt" một số lớn lực lượng của Armenia trong khi Armenia cũng khẳng định Azerbaijan chịu tổn thất lớn về nhân lực và thiết bị quân sự.
Khói bốc lên sau một vụ pháo kích trong xung đột giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tại thành phố Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 9/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên sau một vụ pháo kích trong xung đột giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tại thành phố Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 9/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng Armenia và Azerbaijan lại giao tranh với nhau trong đêm 11 và sáng 12/10, trong khi 2 bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian tại khu vực Nagorny-Karabakh.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc lực lượng Armenia đã không tuân thủ lệnh ngừng bắn đạt được trong cuộc đàm phán tại thủ đô Moskva hồi tuần trước vả do Nga giám sát.

Phía Azerbaijan cho biết đã "tiêu diệt" một số lớn lực lượng của đối phương, cũng như 1 xe tăng T-72 và 3 bệ phóng tên lửa đa nòng Grad.

Về phía Armenia, nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Shushan Stepanyan cho biết quân đội Azerbaijan đã pháo kích dữ dội ở mặt trận phía Nam, đồng thời khẳng định Azerbaijan chịu tổn thất lớn về nhân lực và thiết bị quân sự, tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết.

Sau 11 giờ đàm phán giữa Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan tại Moskva, hai bên đã đồng ý về một lệnh ngừng bắn nhân đạo bắt đầu từ trưa 10/10.

[Armenia và Azerbaijan cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn]

Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn đã không được duy trì. Hai bên cáo buộc lẫn nhau pháo kích dữ dội vào các khu dân cư và tiếp tục giao tranh.

Trong diễn biến liên quan, phát biểu trước cuộc họp với những người đồng cấp Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/10 tại Luxembourg, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ cần phải thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Nagorny - Karabakh.

Ông Asselborn nhấn mạnh :"Thông điệp này từ Luxembourg sẽ như một lời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), giúp dàn xếp một lệnh ngừng bắn nhanh chóng."

Hồi tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng của Azebeijan, sẽ dùng tầm ảnh hưởng "đáng kể" của mình để giúp xoa dịu xung đột tại Nagorny-Karabakh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục