Xung lực mới trong quan hệ thương mại Việt Nam-Singapore

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Singapore nhằm khẳng định đưa hợp tác kết nối kinh tế hai nước lên tầm cao mới trong bối cảnh một loạt các FTA có hiệu lực và đi vào triển khai.
Xung lực mới trong quan hệ thương mại Việt Nam-Singapore ảnh 1Một góc Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) mở rộng ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Những năm qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore luôn phát triển tích cực và là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cao. Đặc biệt, năm 2023 mang nhiều ý nghĩa với việc hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Vì vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Singapore nhằm khẳng định đưa hợp tác kết nối kinh tế hai nước lên tầm cao mới trong bối cảnh một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) có hiệu lực và đi vào triển khai; trong đó, có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Thị trường tiềm năng

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Singapore là một thị trường tương đối nhỏ nhưng là một thương cảng tự do lớn, gần như không có hạn chế nào về nhập khẩu. Đây cũng là nơi tập trung nhiều công ty đa quốc gia, thương mại, logistics lớn của Đông Nam Á và toàn cầu.

Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi rất cao về chất lượng hàng hóa. Dù khoảng cách địa lý giữa Singapore và Việt Nam không xa nhưng chưa nhiều mặt hàng của Việt Nam trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng có thể thâm nhập vào quốc đảo này.

Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), giai đoạn 2018-2021, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Singapore tăng trưởng ổn định và trong ASEAN, Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt 4,3 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2021; nhập khẩu của Việt Nam từ Singapore đạt 4,8 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021.

Về cơ cấu hàng xuất khẩu, Việt Nam sang thị trường Singapore tương đối bền vững. Các mặt hàng chế biến có giá trị cao chiếm tỷ trọng từ 67-76% trong giai đoạn 2018-2022. Trong khi đó, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chỉ chiếm 5,5-13% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore.

Ngoài ra, nhóm hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Singapore là nhóm chế biến, chế tạo. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Singapore bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh, chất dẻo nguyên liệu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác…

Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi chia sẻ Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam (2022) trong ASEAN và đối tác thương mại thứ 15 của Việt Nam trên thế giới.

Hơn nữa, Singapore thuộc nhóm các nền kinh tế có thu nhập cao, là quốc gia có môi trường pháp lý “thân thiện” với hoạt động kinh doanh. Singapore còn là trung tâm trung chuyển hàng hóa với ngành dịch vụ logistics, vận tải biển hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, Singapore hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài. Cũng do tài nguyên hạn chế nên Singapore không có sản xuất nông nghiệp.

Cơ cấu tổng ngân sách quốc nội (GDP) của Singapore có khoảng 70% do ngành dịch vụ đóng góp và 25% từ các ngành công nghiệp sản xuất. Do đó, đây là thị trường tiềm năng cho các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam như hàng nông sản, thủy sản, dệt may, thực phẩm chế biến….

Xung lực mới trong quan hệ thương mại Việt Nam-Singapore ảnh 2Đóng gói quả na Bà Đen (Tây Ninh) xuất khẩu sang Singapore. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Nhận định từ các chuyên gia, Singapore và Việt Nam có mối quan hệ thương mại-đầu tư song phương mạnh mẽ và bền vững. Cụ thể, thương mại giữa hai nước tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua, đạt 26,9 tỷ SGD (khoảng 20 tỷ USD) vào năm 2021, tăng 18,7% so với năm 2020.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 6/2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của Singapore vào Việt Nam đạt khoảng 70 tỷ USD (khoảng 3.600 dự án). Với kết quả này, Singapore là quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam.

[[Infographics] Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore]

Minh chứng thêm cho mối quan hệ kinh tế bền chặt giữa hai nước là các dự án chung về thương mại và đầu tư. Năm 1996, Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore và Tập đoàn Becamex của Việt Nam thành lập Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) đầu tiên tại Bình Dương. Đến nay, đã có 12 VSIP trên khắp Việt Nam, thu hút vốn đầu tư trị giá 17 tỷ USD và tạo ra hơn 300.000 việc làm.

Vào tháng 8/2022, Tập đoàn NCS của Singapore và công ty công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam là FPT Software đã công bố khai trương Trung tâm Phân phối Chiến lược (SDC) tại Hà Nội, dự kiến tuyển dụng hơn 3.000 nhân viên vào năm 2025.

Ở cấp độ khu vực, Singapore và Việt Nam cũng là đối tác có cùng chí hướng trong các FTA như Hiệp định RCEP), Hiệp định CPTPP.

Thông qua Hiệp định Khung về kết nối (CFA) được ký năm 2005, Singapore và Việt Nam gặp nhau hàng năm trong các Hội nghị cấp Bộ trưởng về Kết nối (CMM) để thảo luận về những hợp tác mới và đang diễn ra trong các lĩnh vực, như giáo dục-đào tạo; tài chính; công nghệ thông tin-viễn thông; đầu tư; thương mại-dịch vụ; giao thông-vận tải…

Tại buổi làm làm việc với ông Ngiam Shih Chun, Giám đốc Cơ quan Điều tiết thị trường năng lượng Singapore (EMA) và ông Jaya Ratnam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác, học tập kinh nghiệm phát triển lĩnh vực năng lượng từ Singapore để phát triển ngành năng lượng xanh và bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng năng lượng, phục vụ quá trình phát triển kinh tế.

Đặc biệt, hai bên ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Singapore trong lĩnh vực năng lượng và cùng nhất trí tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác để đạt được các mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Ngoài ra, phía Singapore thể hiện sự quan tâm trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, khí LNG, hydrogen và kết nối lưới điện trong khu vực.

Xung lực mới trong quan hệ thương mại Việt Nam-Singapore ảnh 3Sản xuất đồ điện gia dụng tại nhà máy của Công ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tại buổi ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Singapore, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên nỗ lực triển khai các hoạt động cụ thể trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu trong khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ tin tưởng phía Singapore sẽ luôn dành sự ủng hộ và hỗ trợ cho Việt Nam nói chung, Bộ Công Thương nói riêng, góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh giữa hai nước và doanh nghiệp ngày càng mở rộng, phát triển.

Khai thác thế mạnh

Nhận định từ các chuyên gia Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Việt Nam đã và đang trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, với 16 FTA; trong đó có một số FTA thế hệ mới như CPTPP và RCEP.

Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam sang các thị trường trong khu vực nói chung và Singapore nói riêng.

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tăng cường trao đổi đoàn kết nối, thăm dò thị trường, xây dựng phát triển thương hiệu và hợp tác phân phối các mặt hàng công nghiệp mới của Việt Nam. Chẳng hạn như ô tô điện, dây cáp điện, cửa nhôm nhựa, thủy tinh, sắt thép xây dựng, đồ gỗ nội thất, đồ chơi, quần áo, giày dép…

Đại diện thương vụ Việt Nam tại Singapore dự báo trong năm 2023, với sự suy giảm chung của kinh tế và thương mại toàn cầu, việc duy trì giá trị thương mại giữa 2 nước tiếp tục tăng trưởng hoặc thậm chí chỉ tương đương với năm 2022 cũng sẽ là khó khăn không nhỏ.

Bởi vậy, Thương vụ sẽ tập trung hỗ trợ, đưa các đoàn doanh nghiệp Singapore về Việt Nam để tăng cường kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, chào hàng và trưng bày sản phẩm ở các sự kiện tại Singapore.

Từ ngày 28-30/3 năm nay sẽ có Hội chợ triển lãm BuildTech Asia 2023 (BTA) (https://buildtechasia.com). Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm xin liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Singapore để được hỗ trợ tham gia.

Ngoài ra, từ ngày 30/12/2022 Singapore có quy định mới về nhãn mác hàng hóa thực phẩm, đồ uống về hàm lượng đường, cụ thể tại: https://www.hpb.gov.sg/healthy-living/food-beverage/nutri-grade.

Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất triển khai hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số; hợp tác về thương mại thông qua các sàn giao dịch hàng hóa của Singapore, nhất là sàn giao dịch hàng nông sản của Singapore.

Bộ trưởng lưu ý việc tận dụng các FTA mà hai nước tham gia; trong đó khuyến khích doanh nghiệp hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực điện tử, viễn thông, đồ gỗ, chế biến nông thủy sản để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thuộc khối CPTPP và RCEP.

Đặc biệt, khai thác thế mạnh khi Việt Nam và Singapore là hai nước duy nhất trong khu vực có các Hiệp định toàn diện với EU và Vương quốc Anh để có thể bổ trợ cùng khai thác và thâm nhập thị trường khu vực này.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch điện VIII đến 2030, tầm nhìn 2045. Bởi vậy, hai bên sẽ thúc đẩy Chính phủ hai nước để hợp tác chặt chẽ nhằm hướng tới mục tiêu phát triển trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Mặt khác, hỗ trợ thúc đẩy kết nối, đưa sản phẩm nông thủy sản thế mạnh của Việt Nam, nhất là trái cây tươi vào hệ thống phân phối lớn, tạo điều kiện cho hàng Việt thâm nhập thị trường cũng như người dân Singapore được thưởng thức trái cây đặc sản Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục