Y tá người Anh bị nhiễm virus Ebola đã được xuất viện

Y tá người Anh William Pooley nhiễm virus Ebola đã được xuất viện

Y tá người Anh William Pooley nhiễm virus Ebola đã được xuất viện, mang lại tín hiệu tích cực cho cuộc chiến chống căn bệnh chết người này.
Y tá người Anh William Pooley nhiễm virus Ebola đã được xuất viện ảnh 1Quang cảnh Bệnh viện trường Đại học Fann ở Dakar, nơi trường hợp nhiễm virus Ebola đầu tiên được phát hiện. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 3/9, Bệnh viện Miễn phí Hoàng gia (RHS) tại London (Anh) thông báo một y tá người Anh nhiễm virus Ebola đã được xuất viện, mang lại một tín hiệu tích cực cho cuộc chiến chống căn bệnh chết người này.

Theo RHS, y tá 29 tuổi William Pooley trước đó bị nhiễm virus Ebola khi đang làm việc tình nguyện tại một trong những nơi dịch hoành hành dữ dội nhất thuộc Sierra Leone.

Y tá này đã hồi phục sau 10 ngày điều trị cách ly tại RHS bằng ZMapp, loại thuốc thử nghiệm được cho là đã cứu sống hai bác sỹ người Mỹ trước đó. Tuy nhiên, cũng có ít nhất hai bệnh nhân khác được điều trị bằng ZMapp đã tử vong.

Cùng ngày, Liên minh châu Phi (AU) thông báo sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 8/9 tới để soạn thảo một chiến lược đối phó với dịch Ebola trên quy mô toàn châu lục.

Trong một tuyên bố, AU cho biết cuộc họp nhằm xây dựng vốn hiểu biết chung về căn bệnh Ebola và cân nhắc việc một số quốc gia thành viên đình chỉ hoạt động hàng không và đóng cửa biên giới trên cả đất liền lẫn trên biển với các nước có dịch. Cuộc họp sẽ diễn ra tại trụ sở AU tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Từ vùng dịch Ebola, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf tuyên bố tình hình tại nước này "vẫn còn nghiêm trọng," kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng hỗ trợ. Bà Sirleaf cũng đã gia hạn lệnh nghỉ phép ban hành từ cuối tháng Bảy vừa qua đối với tất cả nhân viên chính phủ không cần thiết do nguy cơ lây nhiễm virus Ebola vẫn còn rất cao trong cả nước.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch Ebola, phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nam Phi Aaron Motsoaledi ngày 3/9 khẳng định nước này chưa phát hiện ca nhiễm Ebola nào, song bộ trên đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực và trang thiết bị cho 11 bệnh viện được chỉ định trên toàn quốc, sẵn sàng xử lý các ca lây nhiễm nếu có.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Y tế Canada Sean Upton cho biết vắcxin thử nghiệm chống Ebola do nước này phát triển vẫn chưa thể rời khỏi phòng thí nghiệm do các quan chức nước này chưa xác định được phương án vận chuyển an toàn.

Theo đề xuất đưa ra ngày 12/8, Canada sẽ ủng hộ 800-1.000 liều vắcxin cho châu Phi thông qua WHO, tuy nhiên một trong những thử thách đặt ra là vắcxin phải được giữ lạnh đúng mức suốt quá trình vận chuyển để đảm bảo hiệu lực.

Ông Upton cho biết giới chức Ottawa đang thảo luận với WHO về các vấn đề liên quan để có thể phân phối lô vắcxin này nhanh nhất có thể.

Ngày 3/9, truyền thông Thụy Điển đưa tin nước này sẽ gửi chuyên gia tới hỗ trợ Liberia chống dịch Ebola, theo kêu gọi của WHO. Nguồn tin cho biết một nhóm tiền trạm sẽ tới Liberia vào cuối tuần này để khảo sát các điều kiện xây dựng một doanh trại với sức chứa 100-200 người. Chi phí xây dựng doanh trại trên vào khoảng 30-40 triệu SEK (tương đương 4,3-5,8 triệu USD) và sẽ do một số nước khác cùng đóng góp.

Theo các số liệu mới do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, chỉ trong vài ngày qua, số trường hợp nhiễm virus Ebola đã tăng đột biến lên tới ít nhất 3.500 người. Hơn 1.900 bệnh nhân trong số đó đã không chiến thắng được căn bệnh này, nhiều hơn số ca tử vong của tất cả các đợt bùng phát dịch trước đây cộng lại.

Giám đốc WHO Margaret Chan cho rằng tổ chức này sẽ phải mất 3 tháng để có thể đảo ngược xu hướng của dịch Ebola ở những nước đang chứng kiến "sự lây lan rất dữ dội" là Liberia, Guinea và Sierra Leone; 8 tuần đối với các nước như Senegal và Cộng hòa Dân chủ Congo - nơi tình trạng lây nhiễm được khoanh vùng.

Tuy nhiên, bà hy vọng rằng với phản ứng phối hợp của cộng đồng quốc tế, cụ thể là các khoản viện trợ và đội ngũ chuyên gia đang được gửi tới Tây Phi, đợt bùng phát hiện nay có thể được dập tắt trong vòng 6-9 tháng tới.

Điều phối viên cấp cao của Liên hợp quốc về dịch bệnh Ebola David Nabarro ước tính thế giới sẽ phải chi ít nhất 600 triệu USD, thậm chí nhiều hơn nữa, để cung cấp hàng hóa cứu trợ cần thiết cho các nước chịu ảnh hưởng của dịch và kiểm soát tình hình của căn bệnh này. Tổng chi phí dự kiến do WHO đưa ra trước đó mới chỉ là 490 triệu USD.

Ông Nabarro cũng cảnh báo dịch Ebola sẽ đẩy Tây Phi vào "một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng," làm phức tạp thêm các nỗ lực ngăn chặn bệnh.

Ngoài ra, các quan chức WHO cho biết đang thảo luận với các hãng hàng không thương mại về việc khôi phục dịch vụ tại các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola. Làn sóng hủy chuyến bay đến khu vực này do lo ngại virus lây lan đã khiến các hoạt động cứu trợ bị gián đoạn, hàng hóa và các trang thiết bị y tế không thể tới được các điểm bùng phát dịch.

Tại cuộc họp báo, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson đã khuyến cáo các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân "đưa ra quyết định dựa trên cơ sở khoa học, chứ không dựa trên nỗi sợ hãi"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục