Yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi của thuyền viên bị nạn ở Jordan

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết với các trường hợp lao động tử vong khi đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm làm thủ tục như hậu sự, di cốt thuyền viên về nước.
Yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi của thuyền viên bị nạn ở Jordan ảnh 1Đám mây khí độc màu vàng bốc lên sau khi bể chứa rò rỉ tại cảng ở Jordan, (Nguồn: theguardian.com)

Liên quan đến vụ việc 5 thuyền viên Việt Nam thiệt mạng trong vụ nổ khí độc tại Jordan, Cục Quản lý lao động ngoài  nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã có công văn gửi hai công ty có thuyền viên tử vong và bị thương trong vụ việc yêu cầu hỗ trợ ngay các thuyền viên bị nạn.

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), vụ việc nổ khí độc xảy ra ngày 27/6 tại Jordan đã khiến 5 thuyền viên tử vong và 7 thuyền viên bị thương nhẹ, trong đó có 4 thuyền viên tử vong và 7 thuyên viên bị thương là lao động của Công ty Xuất khẩu lao động HOANGPHAT CONSTRAIN và 1 thuyền viên tử vong là lao động của Công ty Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực PITSCO.

Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu đối với trường hợp thuyền viên thiệt mạng thì doanh nghiệp cử cán bộ về địa phương chia buồn, động viên, ổn định tâm lý cho thân nhân thuyền viên. Doanh nghiệp phối hợp với đối tác chủ tàu, các cơ quan liên quan tại Jordan, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)… để điều tra nguyên nhân vụ việc và làm thủ tục hậu sự cho thuyền viên thiệt mạng.

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết đối với các trường hợp lao động tử vong khi đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp phải có trách nhiệm làm các thủ tục như hậu sự, di cốt thuyền viên về nước và yêu cầu các bên liên quan giải quyết chế độ bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của thuyền viên.

[Jordan hỗ trợ Đại sứ quán Việt Nam trong công tác bảo vệ công dân]

Đối với thuyền viên bị thương thì doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo tình hình sức cho thân nhân gia đình. Trong trường hợp thuyền viên bị thương, bị tai nạn phải về nước thì công ty có trách nhiệm cử cán bộ hỗ trợ đón thuyền viên, giải quyết quyền lợi hợp pháp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm làm thủ tục với Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài  nước thực hiện các chế hộ hỗ trợ cho lao động. Theo Quyết định 40/2021/TTg về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, thân nhân của người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ 40 triệu đồng/trường hợp. Đối với người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài thì được hỗ trợ từ 10-30 triệu đồng/trường hợp.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước,  Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan để được hỗ trợ kịp thời. Doanh nghiệp có trách nhiệm gửi thông tin, kết quả giải quyết vụ việc về Cục Quản lý lao động ngoài nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục