18 triệu phụ nữ tại các nước đang phát triển bị thiếu dinh dưỡng

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ ngày 24/11, hơn 18 triệu phụ nữ tại các nước đang phát triển đang bị thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng, đa số thuộc tầng lớp nghèo.
18 triệu phụ nữ tại các nước đang phát triển bị thiếu dinh dưỡng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) ngày 24/11, hơn 18 triệu phụ nữ tại các nước đang phát triển đang bị thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng, đa số thuộc tầng lớp nghèo.

Nghiên cứu trên do các chuyên gia thuộc Trường Y tế Cộng đồng Harvard T.H. Chan và Bệnh viện St. Michael phối hợp tiến hành, phân tích dữ liệu của hơn 700.000 phụ nữ từ độ tuổi 20 đến 49 tuổi tại 60 quốc gia đang phát triển. Đây cũng là những người tham gia Chương trình Sức khỏe và Dân số từ năm 1993 đến hết năm 2012.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những người phụ nữ bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn 16, thường thuộc tầng lớp nghèo, có trình độ dân trí thấp và bị quên lãng trong thành phần dân số trưởng thành của xã hội.

Nghiên cứu cũng nhận thấy những phụ nữ không được đáp ứng đầy đủ về dinh dường tập trung nhiều tại tại khu vực vùng sâu, vùng xa.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này một phần là do thu nhập kinh tế khó khăn, không đủ để trang trải những nhu cầu về thực phẩm và dinh dưỡng.

Theo đánh giá của người đứng đầu nhóm nghiên cứu Fahad Razak thuộc Bệnh viện St. Michael , con số thống kê bất ngờ trên đã chỉ ra thực trạng về sự mất cân bằng dinh dưỡng dân số thế giới: trong khi hàng triệu phụ nữ không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, thì tại nhiều quốc gia khác, tình trạng béo phì hay quá cân lại có xu hướng phổ biến.

Ông Razak cảnh báo tình trạng thiếu dinh dưỡng trầm trọng ở phụ nữ không hề suy giảm trong vòng 20 năm qua tại đa số quốc gia.

Thống kê cụ thể cho thấy số phụ nữ bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng tập trung nhiều tại các quốc gia đang phát triển. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia ghi nhân tỷ lệ cao nhất với 6,2%, tiếp theo là Bangladesh với 3,9%, Madagascar (3,4 %), Timor Leste (2,9%), Senegal (2,5 %) và Sierra Leone (2,2 %).

Các chuyên gia cũng nhận thất trong số 40 quốc gia mà nhóm tiến hành khảo sát, phần lớn chưa nỗ lực cải thiện chỉ số BMI ở phụ nữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục