7 ngày thế giới công nghệ: "Nóng bỏng" cuộc chiến mã hóa

Trong tuần qua, thế giới công nghệ thực sự "nóng" lên với cuộc chiến mã hóa giữa một bên là các tập đoàn công nghệ với một bên là chính quyền các nước Mỹ, Brazil.

Trong tuần qua, thế giới công nghệ thực sự "nóng" lên với cuộc chiến mã hóa giữa một bên là các tập đoàn công nghệ với một bên là chính quyền các nước Mỹ, Brazil.

Cuộc chiến "bẻ khóa" giữa Apple và FBI chưa có hồi kết

7 ngày thế giới công nghệ: "Nóng bỏng" cuộc chiến mã hóa ảnh 1

Cuộc chiến "bẻ khóa" iPhone hay cuộc chiến mã hóa chính thức được khởi phát vào ngày 17/2 khi giám đốc điều hành Apple Tim Cook tuyên bố hãng của ông sẽ chống lại yêu cầu của tòa án đòi Apple phải hợp tác với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trong việc bẻ khóa chiếc iPhone của đối tượng gây ra vụ xả súng ở tại thành phố San Bernardino, bang California hồi cuối năm ngoái.

Tuyên bố của Tim Cook thực chất như một giọt nước tràn ly trong một vấn đề đã và đang gây tranh cãi bấy lâu ở Mỹ về mối quan hệ giữa bảo vệ quyền riêng tư cá nhân với bảo đảm an ninh quốc gia.

Cuộc chiến giữa "đại gia" công nghệ Apple và FBI về việc "bẻ khóa" iPhone đã chuyển sang Quốc hội Mỹ hôm 1/3 khi cả hai tiếp tục tranh cãi về vấn đề bảo mật.

Phát biểu trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, Giám đốc FBI James Comey nhấn mạnh công việc thực thi pháp luật có thể bị hủy hoại do những "không gian bảo vệ bằng chứng" mà các điều tra viên không thể tiếp cận được.

Đáp lại, luật sư của Apple Bruce Sewell nhấn mạnh công chúng cần hiểu rằng "mã hóa là một điều tốt đẹp, một điều cần thiết" thậm chí ngay cả khi điều này có thể khiến việc thực thi pháp luật trở nên khó khăn hơn.

Luật sư Sewell cũng tiết lộ rằng giới chức đang yêu cầu Apple phát triển một công cụ để giải mã bất kỳ chiếc iPhone nào thậm chí với mã hóa tối tân hơn.

Theo Apple, điều này sẽ khiến người dùng dễ bị tin tặc tấn công và chính phủ giám sát.

Một khảo sát do hãng nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy 51% người dân Mỹ ủng hộ những nỗ lực pháp lý của chính quyền Washington nhằm buộc Apple mở khóa chiếc iPhone, trong khi tỷ lệ ủng hộ “gã khổng lồ” công nghệ này là 39%.

Nhiều hãng công nghệ Mỹ - gồm Google, Facebook và Twitter - đã lên tiếng ủng hộ Apple trong cuộc chiến pháp lý với FBI.

Phó chủ tịch Facebook Mỹ Latinh bị bắt vì từ chối hợp tác

7 ngày thế giới công nghệ: "Nóng bỏng" cuộc chiến mã hóa ảnh 2

Trong khi vụ việc "bẻ khóa" iPhone giữa Apple và chính quyền Mỹ còn đang "nóng hổi" thì một đồng minh của Apple, mạng xã hội Facebook cũng bị vướng vào một vụ việc tương tự nhưng chỉ có điều, nó lại xảy ra ở Brazil.

Quốc gia Nam Mỹ này, mạnh tay hơn Mỹ khi cảnh sát Brazil ngày 1/3 ra thông báo cho biết, Phó Chủ tịch Facebook phụ trách khu vực Mỹ Latinh, ông Diego Dzodan đã bị bắt giữ sau khi trang mạng xã hội này từ chối cho chính quyến tiếp cận dữ liệu được cho là có liên quan đến một vụ án.

Theo thông báo, ông Diego Dzodan đang bị tạm giam tại Sao Paulo sau khi từ chối hợp tác với phán quyết của tòa án về việc chia sẻ dữ liệu liên quan đến một vụ án buôn lậu ma túy.

Hồi tháng 12 năm ngoái, một thẩm phán ở Brazil đã ra phán quyết chặn ứng dụng nhắn tin WhatsApp vì công ty chủ quản là Facebook đã từ chối chia sẻ thông tin về người sử dụng với cảnh sát.

Qua hai vụ việc trên, có thể thấy việc giải quyết mối quan hệ giữ quyền bảo mật riêng tư cá nhân với bảo vệ an ninh quốc gia đang thực sự là một thách thức lớn đối với các tập đoàn công nghệ (quyền bảo mật riêng tư cá nhân là nội dung cốt lõi, gắn với uy tin sản phẩm của hãng nhưng dễ bị quy vào tội gây cản trở cơ quan thực thi pháp luật nếu từ chối hợp tác giúp truy cập vào thiết bị của khách hàng) và các cơ quan công quyền (muốn khai thác thông tin phục vụ điều tra nhưng rất dễ vi phạm Hiến pháp bảo vệ quyền riêng tư cá nhân).

Microsoft sắp phát hành bộ lập trình cho kính thực tế ảo HoloLens

7 ngày thế giới công nghệ: "Nóng bỏng" cuộc chiến mã hóa ảnh 3

Bên cạnh cuộc chiến mã hóa đang rất "nóng bỏng," thế giới công nghệ tuần qua vẫn có những gam màu sáng, tiêu biểu là thông tin Microsoft, ngày 29/2 thông báo hãng này bắt đầu cho phép đặt hàng trước bộ phát triển ứng dụng cho kính thực tế ảo HoloLens.

Bộ phát triển ứng dụng này sẽ bắt đầu đợt giao hàng đầu tiên ở Mỹ và Canada vào 30/3, với giá 3000 USD.

Qua bộ phát triển ứng dụng này, các nhà lập trình của bên thứ ba sẽ có thể tạo ra các trò chơi và ứng dụng cho kính thực tế ảo HoloLens.

Cũng trong ngày 29/2, Microsoft đã công bố chi tiết các thông số kỹ thuật cùng với trọn bộ sản phẩm hoàn chính của kính HoloLens.

WhatsApp dừng hỗ trợ hệ điều hành của BlackBerry, Nokia vào 2017

7 ngày thế giới công nghệ: "Nóng bỏng" cuộc chiến mã hóa ảnh 4

WhatsApp, dịch vụ nhắn tin tức thời của Facebook thông báo sẽ dừng hoạt động của ứng dụng dịch vụ này trên các hệ điều hành di động của BlackBerry và Nokia vào năm 2017.

Trong số các hệ điều hành di động không được WhatsApp hỗ trợ có cả BlackBerry 10, phiên bản hệ điều hành di động của BlackBerry mới chỉ phát hành chưa đầy một năm rưỡi.

Bên cạnh đó, WhatsApp cũng không hỗ trợ các thiết bị di động chạy hệ điều hành Symbian S40 và S60 của Nokia, cũng như các phiên bản Android 2.2 và Windows Phone 7.1 cũ./.

 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục