Apple bắt đầu suy thoái sau thời kỳ tăng trưởng "nóng"?

Hãng Apple bắt đầu suy thoái sau thời kỳ tăng trưởng "nóng"?

Sau thời kỳ tăng trưởng "nóng" với rất nhiều kỷ lục doanh thu bị phá vỡ, giờ đây, Apple đang cho thấy những dấu hiệu của thời kỳ suy thoái.
Hãng Apple bắt đầu suy thoái sau thời kỳ tăng trưởng "nóng"? ảnh 1

Mặc dù tiếp tục duy trì báo cáo doanh thu và doanh số kỷ lục với dòng điện thoại cao cấp iPhone trong quý vừa qua, Apple dường như vẫn đang trải qua những gì mà các chuyên gia công nghệ dự báo là sự suy giảm của các thiết bị di động cao cấp, giá cao.

Chính giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook đã không ngần ngại khẳng định các dự báo tăng trưởng chậm doanh số bán iPhone là có cơ sở.

Với nhiều iFan (người hâm mộ các sản phẩm Apple), việc Apple giảm doanh số bán hàng là một vấn đề không tồn tại. Tuy nhiên, họ sẽ buộc phải chấp nhận thực tế đáng buồn này.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner, xu hướng đi xuống của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã thực sự bắt đầu.

Tình hình kinh doanh của Apple qua những con số 

Nhìn chung, năm 2015 vừa qua là một năm không tệ xét về doanh số bán iPhone. 

Theo Gartner, Apple đã bán được 225,85 triệu điện thoại thông minh trong năm ngoái, tăng gần 35 triệu chiếc so với mức 191,43 triệu của năm 2014. Mức gia tăng doanh số thường niên trên giúp Apple tiếp tục cải thiện thị phần của mình trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu khi trao cho hãng 15,9% thị phần - tăng nhẹ so với mức thị phần năm trước là 15,4%, và đó là tin tốt. 

Tin rất không tốt là cách Apple kết thúc năm vừa qua. Cần lưu ý rằng Gartner chỉ ước tính doanh số bán cho người dùng cuối, không tính chính xác số lượng thiết bị mà Apple chuyển cho danh sách dài các nhà phân phối sản phẩm của hãng. Và trên cơ sở đó, iPhone mất một số lượng lớn thiết bị bán được trong quý 4/2015.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý Một năm 2016, phía Apple cho biết họ "đã bán được 74,8 triệu chiếc iPhone trong quý này," tương đương với doanh số quý 4/2014. Tuy nhiên, quý 4/2015 liền trước đó lại chỉ đạt 71,5 triệu chiếc, một bước thụt lùi so với cùng kỳ năm 2014. Thêm nữa, thị phần nắm giữ trên thị trường điện thoại thông minh của Apple năm 2015 cũng sụt giảm khi chỉ chiếm 17,7%, so với mức 20,4% của năm 2014.

Trong khi đó, đối thủ lâu năm của Apple là Samsung lại đi ngược xu hướng suy giảm vào cuối năm 2015 của các đối thủ khi nhích thêm 20,7% thị phần nắm giữ trên thị trường điện thoại thông minh sau khi bán được 83,44 triệu chiếc điện thoại. 

Mối quan tâm lớn của Apple hiện nay là gì?

Gartner dự báo rằng hai phần ba doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu sẽ đến từ các loại điện thoại "cơ bản và thấp cấp" trong ba năm tới. Và đây chính là cơ hội đồng thời cũng là thách thức cho Apple.

Thách thức là hiện nay gần 70% doanh thu của Apple đến từ iPhone, dòng điện thoại thông minh cao cấp và đắt giá. 

Đã có thời điểm, Apple thử tạo ra một sản phẩm điện thoại iPhone giá thấp, tầm trung (iPhone 5c, năm 2013). Tuy nhiên, iPhone 5c đã nhanh chóng trở thành một thất bại muốn lãng quên của Apple. 

Ken Segall, người đã từng có 6 năm làm việc cùng Apple và "phù thủy" Steve Jobs cách đây hơn 1 năm đã đưa ra nhận xét Apple không nên sản xuất các thiết bị giá rẻ và nên chấp nhận mất thị phần tại các thị trường đang phát triển. Segall nhấn mạnh "Steve Jobs đã đúng," "Apple không phải là công ty làm ra những sản phẩm giá rẻ."

Theo Segall, những sản phẩm của Apple luôn là những sản phẩm hướng đến thiết kế, sự đơn giản, chất lượng và trải nghiệm tốt, và người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền để được sở hữu những sản phẩm đó.

Tuy nhiên, thật không may với Apple trong giai đoạn hiện nay khi thị trường điện thoại thông minh chung toàn cầu đang đi vào "khúc cua hẹp." Cũng giống như máy tính bảng, người tiêu dùng đang có xu hướng "lười" nâng cấp điện thoại di động thông minh của mình khi trong tay họ là những chiếc điện thoại "vẫn còn dùng tốt" và vẫn còn đáp được những yêu cầu sử dụng trong khi những mẫu điện thoại được các hãng cho ra mắt liên tiếp, dày đặc gần đây không mang nhiều những nâng cấp quá đột phá đủ sức nặng buộc người tiêu dùng phải chia tay chiếc điện thoại hiện dùng.

Theo các chuyên gia phân tích thị trường, điều có thể và là cơ hội giúp Apple vượt qua giai đoạn khó khăn, đầy thách thức hiện nay đó là các thị trường mới nổi, nơi vẫn còn rất nhiều "đất trống" để các hãng công nghệ thể hiện nhưng lại có đòi hỏi buộc các hãng phải giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ giữa giá bán và các tính năng hấp dẫn trên mỗi sản phẩm điện thoại nếu muốn vượt lên trên trong cuộc chiến cạnh tranh gay gắt.

Với những phân tích trên, Apple sẽ phải tiếp tục điều chỉnh chính sách kinh doanh và cơ cấu sản phẩm của mình nếu muốn nắm chắc cơ hội vàng, để củng cố, duy trì vị thế của hãng trên thị trường công nghệ di động thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục